Thị trường hàng hóa
Nắm bắt được xu hướng này, nhiều startup trên thế giới đã phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng AI nhằm tối ưu quá trình vận hành ở nhiều khía cạnh, từ đó cải thiện quy trình làm việc và nâng cao hiệu suất cho các doanh nghiệp.
Hiện nay, khi mua sắm trực tuyến lên ngôi, việc được tận mắt kiểm chứng từng khía cạnh của sản phẩm đã trở thành mong muốn của mọi người tiêu dùng. Để đáp ứng nhu cầu này, Nfinite - startup thành lập vào năm 2017 tại Pháp - đã mang đến một giải pháp công nghệ cho phép các doanh nghiệp bán lẻ có thể hiển thị hình ảnh sản phẩm 3D thông qua công nghệ CGI, từ đó trở thành một phương thức độc đáo giúp tiếp cận và gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp độc đáo này, Alexandre de Vigan - người sáng lập và Giám đốc điều hành Nfinite cho biết:
“Trái ngược với khao khát mua sắm trực tuyến phong phú và trải nghiệm được cá nhân hóa của người tiêu dùng, thương mại điện tử - mối liên kết giữa sản phẩm, người tiêu dùng và giỏ hàng trực tuyến - đang rơi vào tình trạng phân mảnh và chưa liên hệ chặt chẽ.
Vì vậy, chúng tôi đã quyết định giải quyết vấn đề này bằng việc xây dựng giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp hiển thị và quản lý hình ảnh sản phẩm không giới hạn, tạo liên kết và thuyết phục người dùng một cách hiệu quả”. Để biến điều này thành hiện thực, Nfinite đã huy động được 100 triệu USD trong vòng Series B do Insight Partners dẫn đầu.
Lần tăng vốn mới là khoản tài trợ thứ hai của công ty khởi nghiệp chỉ trong vòng bốn tháng.
Trước đó, startup đã công bố thành công chinh phục vòng Series A trị giá 15 triệu USD vào tháng hai năm nay.
Theo số liệu thống kê, 46 triệu tòa nhà (không bao gồm nhà ở) tại châu u hiện nay được yêu cầu có đầy đủ tài liệu chi tiết việc xây dựng, quản lý và bảo trì.
Để đáp ứng yêu cầu này, các hồ sơ liên quan đến quản lý các tòa nhà đã được xây dựng và cập nhật trên các nền tảng kỹ thuật số nhằm giúp doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu, đồng thời giảm thiểu rủi ro về thời gian và chi phí liên quan đến các yếu tố thương mại.
Tuy nhiên, việc truy cập các tài liệu này trên các nền tảng đã diễn ra không hiệu quả, khiến các chủ sở hữu tòa nhà phải trả €2 cho mỗi mét vuông hàng năm. Để giải quyết vấn đề này, Findable - doanh nghiệp khởi nghiệp tại Na Uy vào năm 2020 đã phát triển một nền tảng công nghệ giúp số liệu các tài liệu, văn bản và hồ sơ xây dựng các tòa nhà.
Ứng dụng công nghệ AI trong quá trình tự động phân loại tài liệu và tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và chính xác thông qua chức năng tìm kiếm, nền tảng này giúp người dùng nhanh chóng phân tích các dữ liệu trong tài liệu bao gồm cả bản vẽ và các thông số, từ đó cập nhật được nội dung chính và đưa ra các kết luận, định hướng trong quá trình quản lý tòa nhà cho người dùng.
Điều này làm giảm thời gian và quy trình quản lý các tài liệu phức tạp so với cách làm truyền thống, cho phép các công ty xây dựng và người quản lý cơ sở hợp lý hóa quy trình kiểm tra và chứng nhận.
Fredrik Halmoy Wisloff - Giám đốc điều hành tại Findable cho biết:
“Hiện nay, các công đoạn trong quy trình xây dựng và lưu trữ tài liệu vẫn diễn ra theo một quy trình thủ công. Tương tự như phần mềm tự động sắp xếp album ảnh bằng nhận dạng khuôn mặt, công nghệ của chúng tôi nhanh chóng xác định dữ liệu quan trọng và giúp các bên liên quan dễ dàng truy cập thông tin quan trọng hơn.”
Với tiềm năng phát triển trong tương lai, Findable đã huy động được 2 triệu euro tại vòng hạt giống do KOMPAS dẫn đầu, với sự tham gia của Construct Venture và Malling & Co Venture.
Khoản tài trợ này sẽ cho phép nền tảng xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả hơn trong quá trình mở rộng quy mô tại các thị trường tiềm năng trên thế giới.
Sebastian Peck, đối tác tại KOMPAS cho biết thêm: “Lĩnh vực quản lý cơ sở vật chất ở châu u là một thị trường rộng lớn và đang trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Giải pháp của Findable cung cấp khả năng truy cập dễ dàng vào tài liệu xây dựng, hỗ trợ tự động hóa quy trình làm việc, do đó đã loại bỏ một “nút thắt cổ chai” ngăn cản quá trình chuyển đổi số và phát triển trong lĩnh vực này”.
Trong bối cảnh thế giới đón nhận sự phát triển nhanh chóng và tính ứng dụng ngày càng cao của các trang mạng xã hội, vấn đề lạm dung để đưa các thông tin sai lệch gia tăng và trở thành một “bài toán hóc búa” chưa có lời giải đáp cho các doanh nghiệp. Nắm bắt được thực trạng này, Checkstep - một startup được thành lập vào 2020 đã phát triển một giải pháp công nghệ ứng dụng công nghệ AI nhằm tự động hóa và nâng cao hiệu quả của việc kiểm duyệt nội dung.
Tính đến thời điểm này, Checkstep đã mở rộng tính năng và phát triển sản phẩm để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng liên quan đến các vấn đề nhạy cảm trong xã hội, bao gồm những bình luận ác ý, tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em (CSAM), bắt nạt và spam.
Mới đây, nền tảng này đã phát triển các tính năng cần thiết liên quan đến quản lý vi phạm bản quyền.
Chia sẻ về khởi nguồn của công nghệ này, Guillaume Bouchard cho biết:
“Với việc Elon Musk mua lại Twitter, việc nhận quyền kiểm duyệt nội dung không chỉ là ưu tiên của các nền dân chủ trên thế giới mà còn là yêu cầu kinh doanh đối với bất kỳ nền tảng nào lưu trữ nội dung của người dùng.
Vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh các tương tác giữa người với người chủ yếu dưới hình thức trực tuyến do tác động của đại dịch.
Mặc dù tổng thị trường có thể giải quyết hơn 3 tỷ USD, nhưng các công nghệ hiện có không đủ để hỗ trợ các nhu cầu kiểm duyệt nội dung ngày càng tăng hiện nay.” Mới đây, Checkstep đã kết thúc vòng gọi vốn thành công với 5 triệu USD, dẫn đầu bởi Dawn Capital và Form Ventures với sự đồng hành của GoCardLess, Indeed và Redbus Media Group.
Khoản đầu tư mới này sẽ được Checkstep sử dụng để phát triển công nghệ và tăng độ nhận diện của nền tảng này trên thị trường thông qua các chiến lược và chính sách tiếp cận người tiêu dùng.
Norman Fiore, đối tác của Checkstep tại Dawn Capital cho biết: “Checkstep là một ví dụ tuyệt vời về công nghệ được sử dụng hướng đến mục đích tích cực trong xã hội. Khi mức độ lạm dụng có hại ngày càng diễn ra phổ biến trên các nền tảng trực tuyến, khả năng kiểm duyệt nội dung ngày càng trở nên quan trọng. Chúng tôi nhận thấy điều này được tăng cường giám sát ở cấp chính phủ với các luật như Dự luật An toàn Trực tuyến trong quá trình giải quyết vấn đề này. Checkstep cung cấp giải pháp tối ưu cho vấn đề này và chúng tôi rất sẵn lòng hỗ trợ nền tảng công nghệ này trong giai đoạn phát triển quan trọng nhất”.
Theo số liệu mới nhất từ Globe Newswire, lĩnh vực AI đàm thoại dự kiến sẽ phát triển lên thị trường ước tính 46 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2028.
Đây chính là cơ hội để OpenDialog, một startup được thành lập vào năm 2019 phát triển nền tảng ứng dụng công nghệ ứng dụng AI giúp thúc đẩy quá trình phát triển và áp dụng các cuộc trò chuyện giữa người và robot.
Dựa trên mô hình “Software as a Service” (SaaS), tính năng cung cấp các cuộc hội thoại không cần mã hóa sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm người dùng, góp phần tạo ra doanh thu tốt hơn cho các sản phẩm của mình. Người đồng sáng lập OpenDialog - Terry Walby cho biết: “Khắc phục những rủi ro phổ biến trong các cuộc trò chuyện với các chatbot và trợ lý AI hiện tại, các tính năng đặc biệt của OpenDialog sẽ giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận ra tiềm năng của AI đàm thoại.
Thị trường rất cần một giải pháp như thế này, một giải pháp không chỉ thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà còn nâng cao và kết nối trải nghiệm của khách hàng trên nhiều phương thức.”
Đồng sáng lập Ronald Ashri bổ sung thêm:
“OpenDialog, thông qua sự kết hợp mới lạ giữa các kỹ thuật AI, đã mang đến một cách tiếp cận mới để tạo điều kiện thuận lợi để các cuộc trò chuyện diễn ra một cách tự nhiên tại nhiều ngữ cảnh khác nhau với các thiết bị thông minh và giúp tất cả các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hình thức này.” Đặt cược lớn cho sự phát triển và ứng dụng của AI đàm thoại trong tương lai, OpenDialog đã huy động được 5 triệu USD tại vòng gọi vốn trong vòng bốn tuần.
Nguồn vốn mới này cho phép doanh nghiệp tiếp tục phát triển các tính năng mới và hoàn thiện ứng dụng trò chuyện của mình, đồng thời hỗ trợ kế hoạch mở rộng và tiếp cận các thị trường tiềm năng tại Anh và trên toàn cầu.
Từ trước đến nay, quy trình hoạt động truyền thống của các dịch vụ chăm sóc khách hàng không chỉ làm mất thời gian chờ đợi của người dùng mà còn gây trở ngại cho các tác vụ của nhân viên. Để giải quyết vấn đề đó, startup Parloa đã phát triển giải pháp công nghệ tích hợp công nghệ AI với dịch vụ chăm sóc khách hàng, từ đó giúp doanh nghiệp mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho chính người dùng của mình.
Kết hợp tính năng nhận dạng giọng nói tự động và khả năng nhận biết ngôn ngữ tự nhiên, nền tảng công nghệ này cho phép các doanh nghiệp xây dựng các cuộc đối thoại tự động cho khách hàng của mình trên điện thoại, thông qua các cuộc trò chuyện tại cùng ở một phần mềm. Với việc ứng dụng AI như một công cụ làm trung tâm cuộc gọi, công nghệ của Parloa sẽ được tích hợp liền mạch với các công nghệ khác được doanh nghiệp sử dụng trong dịch vụ khách hàng dựa trên API.
Malte Kosub - đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Parloa cho biết: “Những trung tâm cuộc gọi thiếu hiệu quả trong quy trình chăm sóc không chỉ dẫn đến trải nghiệm khó chịu cho khách hàng mà còn gây tổn hại đáng kể đến danh tiếng của thương hiệu, từ đó dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sẽ mất các khoản phí “khổng lồ” hàng năm.
Với Parloa, chúng tôi cung cấp một giải pháp AI duy nhất giúp dịch vụ chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp trở nên thông minh hơn và tiết kiệm chi phí hơn, từ đó mang lại tệp khách hàng trung thành cho thương hiệu.” Với mục tiêu giúp các doanh nghiệp thay đổi cách giao tiếp với khách hàng của họ, Parloa đã huy động được 4 triệu euro.
Nguồn vốn mới này cho phép doanh nghiệp triển khai kế hoạch mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động ra các thị trường tiềm năng trên thế giới, góp phần củng cố mục tiêu chính giúp các doanh nghiệp trên toàn thế giới vận hành dịch vụ chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn về chi phí.
Citibeats - một startup có trụ sở tại Barcelona - đã phát triển các giải pháp AI kết hợp xử lý ngôn ngữ tự nhiên và máy học. Công nghệ này giúp các tổ chức xác định các xu hướng xã hội trong tương lai và có thể đưa ra cảnh báo sớm về các vấn đề quan trọng.
Thông qua các thuật toán bảo mật dữ liệu, nền tảng công nghệ này đang hướng tới việc hỗ trợ các chính phủ, các tổ chức đa phương và các công ty tư nhân thấy trước những thay đổi trong tương lai.
Được ví như một thiết bị giám sát thương hiệu, Citibeats với công nghệ dựa trên AI có thể phát hiện và phân tích các vấn đề phức tạp từ nhiều nguồn khác nhau trong thời gian nhanh nhất.
Mới đây, nền tảng dữ liệu xã hội Citibeats đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh trong số 100 công ty tiên phong về công nghệ hứa hẹn nhất năm 2022. Giám đốc điều hành kiêm Nhà sáng lập Ivan Caballero cho biết: “Được WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới) công nhận là Người tiên phong về công nghệ là một vinh dự thực sự đối với Citibeats. Điều này được chúng tôi ví như một con dấu chất lượng, một huy hiệu tin cậy giúp chúng tôi xác thực hơn nữa giá trị của công nghệ và cách tiếp cận của chúng tôi đối với AI. Chúng tôi hợp tác với WHO, IDB, UNESCO, UNDP và Ngân hàng Thế giới về các dự án lớn trên nhiều quốc gia và rất vui mừng mang kiến thức về việc lồng ghép tiếng nói và nhu cầu của công dân vào quá trình ra quyết định cho WEF.”
Sự thay đổi trong môi trường kinh doanh hai năm qua đã dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng đối với các trợ lý ảo thông minh do AI hỗ trợ. Nắm bắt được xu hướng này, DRUID - một startup có trụ sở tại Bucharest - đã phát triển một nền tảng kinh doanh dựa trên AI nhằm hỗ trợ các công ty thực hiện các chương trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ.
Các ứng dụng kinh doanh đàm thoại dựa trên AI của DRUID cho phép các doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm người dùng, cả khách hàng và nhân viên nội bộ.
Liviu Drăgan - Giám đốc điều hành DRUID cho biết: “Chúng tôi mong muốn cung cấp một trợ lý ảo cho mọi nhân viên. Mục tiêu của chúng tôi là trao quyền cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới trong việc sử dụng các giải pháp DRUID để xây dựng tệp khách hàng trung thành thành công và có thể “giữ chân” nhân viên cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô.
Chúng tôi đang vượt ra khỏi những ràng buộc điển hình hiện nay của các giải pháp đàm thoại để tạo ra một sản phẩm mới - ứng dụng đàm thoại kinh doanh (CBA) - cho phép AI giải quyết các quy trình phức tạp và giúp doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh tốt hơn”
Mới đây, DRUID đã huy động được 15 triệu USD do Karma Ventures và Hoxton Ventures dẫn đầu, GapMinder và bốn nhà đầu tư khác đến từ Đức, Thụy Sĩ, Ba Lan và Romania tham gia.
Nguồn vốn mới này cho phép doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển thêm các tính năng mới cho nền tảng nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời đẩy nhanh tốc độ mở rộng quy mô trên khắp châu u và Bắc Mỹ, bắt đầu từ kế hoạch mở văn phòng mới tại Pháp và Đức vào cuối năm 2022 và củng cố sự hiện diện tại thị trường Anh và Mỹ.
Nhìn chung, sự phát triển của các startup công nghệ mới đã đem lại nhiều giải pháp đổi mới cho doanh nghiệp để cải tiến quy trình và nâng cao hiệu quả làm việc.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm