Thị trường hàng hóa
Chia sẻ tại Hội thảo “Phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường cho các hội thành viên trong hệ thống hiệp hội Việt Nam” sáng 21/10, bà Phạm Thị Mỹ, Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường nhấn mạnh: Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Ngay trong tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định hướng dẫn thi hành.
Đó là Nghị định 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của luật bảo vệ môi trường.
Như vậy, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đã được ban hành đầy đủ, kịp thời ngay khi có hiệu lực thi hành.
Luật Bảo vệ môi trường 2022 có 8 nội dung mang nhiều điểm mới, trong đó, có nội dung thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính.
Trong việc thay đổi phương thức quản lý môi trường, nhà đầu tư cần lưu ý đến nội dung đánh giá tác động về môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư.
Cụ thể, theo bà Mỹ, Luật Bảo vệ môi trường quy định rõ thời điểm phải có Quyết định phê duyệt ĐTM và thời hiệu có hiệu lực của Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM khi triển khai xây dựng và có hiệu lực đến khi dự án được cấp giấy phép môi trường. Việc thanh tra, kiểm tra sau khi được cấp giấy phép môi trường thực hiện theo giấy phép môi trường.
Luật cũng quy định thời điểm thẩm định ĐTM chậm hơn trước (trước là giai đoạn tiền khả thi nay là giai đoạn nghiên cứu khả thi), do đó ĐTM khi đã có thông tin các công trình xây dựng cụ thể, rõ ràng.
Thời hạn chỉnh sửa ĐTM tối đa 12 tháng, kể từ ngày có văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau thời hạn này, việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động thực hiện như dự án mới.
Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường bỏ quy định lập lại báo cáo ĐTM mà lập ĐTM mới. Quy định rõ đối tượng thay đổi phải lập mới, báo cáo cơ quan cấp phép hoặc tự làm, tự chịu trách nhiệm (Khoản 4 Điều 37).
Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định trong quá trình chuẩn bị, triển khai trước khi vận hành, chủ dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các trường hợp sau:
Tăng quy mô, công suất của dự án tới mức phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; thay đổi công nghệ sản xuất làm phát sinh chất thải vượt quá khả năng xử lý chất thải của các công trình bảo vệ môi trường so với phương án trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định; thay đổi công nghệ xử lý chất thải của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường.
Cùng với đó là thay đổi địa điểm thực hiện dự án, trừ trường hợp trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung có địa điểm thực hiện dự án thay đổi phù hợp với quy hoạch phân khu chức năng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thay đổi vị trí xả trực tiếp nước thải sau xử lý vào nguồn nước có yêu cầu cao hơn về quy chuẩn xả thải hoặc thay đổi nguồn tiếp nhận làm gia tăng ô nhiễm, sạt lở, sụt lún.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm