Thị trường hàng hóa
Sau thời gian khó khăn vì dịch, lực lượng lao động Mỹ đang dần trở lại thị trường. Tuy nhiên, những người ở độ tuổi đầu 20 vẫn vắng bóng trong số đó.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm người trên 15 tuổi đã giảm từ mức trung bình 63,1% vào năm 2019 xuống 61,7% vào năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia của những người từ 20-24 tuổi trung bình là 72,1% vào năm 2019, và chỉ ở mức 70,8% vào năm nay. Điều này tương đương với sự thiếu hụt khoảng nửa triệu lao động ở độ tuổi đầu 20 khi so sánh với con số của năm 2019.
So với trước đại dịch, sự tham gia lực lượng lao động của những người trên 55 tuổi cũng thấp hơn nhiều. Một phần lý do của tình trạng đó có thể là vì nhiều người lựa chọn nghỉ hưu sớm, dù là tự nguyện hay do khó tìm được công việc phù hợp ở chặng cuối của con đường sự nghiệp.
Thế nhưng, những lý do này không thể giải thích cho trình trạng đứng ngoài thị trường việc làm với những người đang ở độ tuổi để bắt đầu sự nghiệp như tuổi 20. Sinh ra và lớn lên cùng sự “bùng nổ” của công nghệ thông tin, Gen Z được ví là thế hệ công nghệ mới.
Do đó, nhu cầu về người lao động độ tuổi này là rất lớn. Các nhà tuyển dụng đang cạnh tranh khốc liệt để thu hút nguồn nhân lực khi các bang bắt đầu mở cửa nền kinh tế trở lại vào năm 2021.
Nhiều chuyên gia nhận xét Gen Z là một thế hệ thay đổi cuộc chơi của thị trường lao động và kinh doanh của doanh nghiệp. Một kết quả khảo sát của Deloitte cho thấy thế hệ Gen Z này có nhiều đặc điểm khác biệt, như ưu tiên các hoạt động xã hội hơn các thế hệ trước, các tổ chức mà họ làm phải có tác động xã hội tốt chứ không chỉ là chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Đối với họ, tiền lương không còn là quan trọng nhất như các thế hệ trước đó. Đa số Gen Z coi trọng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giờ giấc linh hoạt, đặc quyền và lợi ích. Họ đề cao quan điểm “không đi xin việc” mà là đi ứng tuyển vào công việc, dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, cả hai đều bình đẳng như nhau.
Họ cũng thay đổi luôn phương thức làm việc nhờ công nghệ. Chính vì vậy, những nghề nghiệp mới xuất hiện như streamer, tài chính, quảng cáo, truyền thông sẽ là những nghề nghiệp được lực lượng lao động này chú ý, tìm hiểu và lựa chọn.
Đặc biệt, họ chủ động đàm phán lương và chế độ đãi ngộ với chủ doanh nghiệp. Do đó, những công ty muốn tuyển dụng Gen Z chắc chắn sẽ phải đầu tư công nghệ, thay đổi mô hình làm việc, kinh doanh… Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều đáp ứng được điều này.
Trước đây, sự suy giảm tham gia lực lượng lao động ở những người trẻ tuổi thường xảy ra đồng thời với sự gia tăng tỷ lệ nhập học của họ. Tại Mỹ, tỷ lệ đăng ký học sau đại học trong độ tuổi từ 21-24 cao hơn 8,5% trong cùng thời kỳ. Nhóm tuổi đó gần như đã hoàn toàn thúc đẩy tỷ lệ nhập học sau đại học tăng 1,6% từ năm 2020 đến năm 2022.
Con số trên có thể chỉ ra rằng một số người lao động ở độ tuổi ngoài 20 không đi làm vì họ đang theo học các chương trình sau đại học, một số trong đó có thể vừa học vừa làm. Nhiều người lao động ở độ tuổi đầu 20 có thể đã quyết định tiếp tục đi học vì sự gián đoạn của đại dịch vào năm 2020, khi các trường học chuyển sang dạy trực tuyến.
Theo khảo sát của PwC năm 2022 với gần 18.000 nhân viên tại Châu Á - Thái Bình Dương, các công ty trong khu vực đang phải đối mặt với sự thiếu hụt kỹ năng và nhân tài trong nhiều năm. Những người trong độ tuổi từ 18 đến 25 được coi là lực lượng lao động chính trong tương lai lại có tỉ lệ ít hài lòng trong công việc cao nhất (53%). Cùng với đó là dự định đề xuất tăng lương và dự định nghỉ việc cũng cao không kém.
Nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Giáo dục và Lực lượng Lao động của Đại học Georgetown Nicole Smith cho biết họ có thể chỉ đang đưa ra quyết định tối ưu nhất với mình và không muốn cứ phải lao đầu vào thị trường lao động bất chấp để có được công việc đầu tiên tại nơi mà họ không muốn. Những phong trào như “được trả bao nhiêu thì làm bấy nhiêu” hay bỏ việc trong im lặng đã thể hiện rõ những thay đổi trong suy nghĩ của lao động Gen Z.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm