Thị trường hàng hóa
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 17,53 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 9,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu của Việt Nam từ các đối tác trong ASEAN đạt 24,43 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 13,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Như vậy, 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu gần 7 tỷ USD từ các nước ASEAN.
Các nhóm hàng xuất nhập khẩu lớn giữa Việt Nam và các thị trường ASEAN tập trung vào lĩnh vực điện tử (điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện); máy móc, thiết bị; hàng nông sản (như nhập khẩu hạt điều từ Campuchia đạt hơn 1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Philippines đạt gần 760 triệu USD); ô tô nguyên chiếc (nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia); xăng dầu…
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu từ thị trường này thời gian qua là do hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) hoặc hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn theo các Hiệp định/Thỏa thuận thương mại song phương với từng nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào, Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia...
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, ASEAN được đánh giá là khu vực thị trường giàu tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Với quy mô dân số hơn 655 triệu dân, trong đó hơn 50% thuộc độ tuổi lao động, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, khu vực thị trường ASEAN có tiềm năng tiêu dùng mở rộng, có khả năng hấp thụ hàng hóa tốt.
Để duy trì hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đã có với khu vực thị trường ASEAN và tận dụng các cơ hội để đa dạng hóa và mở rộng thị trường tại khu vực này, dần cân bằng cán cân thương mại, doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý một số vấn đề sau:
Doanh nghiệp cần thường xuyên, liên tục cập nhật thông tin về các chính sách, quy định của thị trường sở tại, đặc biệt là các yêu cầu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại một số kênh thông tin chính thức của Bộ Công Thương như website Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn), cổng thông tin thị trường nước ngoài (www.vietnamexport.com), Báo Công Thương (www.congthuong.vn).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động xác thực thông tin đối tác tại nước sở tại bằng nhiều cách khác nhau để hạn chế các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng và thanh toán. Doanh nghiệp có thể liên hệ với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại để đề nghị hỗ trợ kiểm tra thông tin đối tác trước khi quyết định ký hợp đồng hoặc thực hiện các giao dịch.
Trong bối cảnh gần đây một số nước ASEAN gia tăng áp dụng các rào cản thương mại hoặc biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ khôi phục sản xuất trong nước trong và sau đại dịch, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp có mặt hàng bị ảnh hưởng hoặc bị điều tra. Để tránh các rủi ro không mong muốn, doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác để có kế hoạch sản xuất phù hợp, có kế hoạch đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế, không để phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng đa dạng hóa đối tác và thị trường xuất nhập khẩu.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm