Thị trường hàng hóa
Hiện nay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn đang được ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, vấn đề thuế suất tối thiểu toàn cầu và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thu hút này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Hiện nay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam công nghệ cao, công nghệ nguồn đang được ưu đãi về thuế. Ví dụ như Samsung đóng thu nhập doanh nghiệp chỉ 10%, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp cần nộp của các doanh nghiệp Việt Nam là 20%.
Với việc Việt Nam đang khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài theo mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài xanh, công nghệ cao, công nghệ nguồn, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng gặp những khó khăn nhất định.
Các chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự đồng bộ nên cách hiểu, vận dụng khác nhau không chỉ đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà với cả doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đó, thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ nguồn, xanh có chất lượng cao lại đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về thị trường đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng những khó khăn trong thu hút nhà đầu tư công nghệ cao tạo cú huých cải thiện triệt để môi trường đầu tư.
Môi trường đầu tư của Việt Nam đôi khi chưa đủ khả năng hấp thụ dự án công nghệ cao. Các doanh nghiệp nước ngoài công nghệ cao chỉ thuê một phần nhân lực của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu. Họ có hệ thống các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp liên kết từ các nước khác vì doanh nghiệp Việt không đủ điều kiện đáp ứng.
Đặc biệt, vấn đề thuế suất tối thiểu toàn cầu tới đây sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Tác động mạnh nhất của thuế suất tối thiểu toàn cầu là tới các doanh nghiệp đang cân nhắc xem có nên vào Việt Nam hay không và các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ nguồn (hiện đang được ưu tiên về thuế).
Đó là chưa kể đến, tác động của cuộc chiến Nga-Ucraina khiến cho các nước phát triển, nhất là Đức và các nước Tây Âu đặt ra vấn đề là hạn chế xuất khẩu công nghệ, hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ.
Đi đôi với đó, doanh nghiệp châu Âu sẽ hạn chế đầu tư công nghệ ra nước ngoài. Đây là tác động trực tiếp tới hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo ông, nguồn lao động dồi dào của Việt Nam sẽ thu hút như thế nào đối với nhà đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn?
Lực lượng lao động của Việt Nam ra nước ngoài làm việc, nếu họ đi đúng ngành, không vi phạm pháp luật, phát huy được khả năng thì khi trở về Việt Nam, người lao động rất có điều kiện tham gia vào các doanh nghiệp tiên tiến của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, có những trường hợp lao động Việt Nam ra nước ngoài làm những việc quá sơ sài, thủ công, không cần nhiều kỹ năng thì khi về Việt Nam lại gặp khó khăn khi tham gia tuyển dụng.
Khi đầu tư tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải tiến hành đào tạo lao động bằng cách đào tạo tại chỗ hoặc đưa người lao động trở lại đất nước của họ một thời gian để đào tạo. Doanh nghiệp được hai cái lợi, người Việt Nam sang đất nước họ làm vừa học vừa làm chỉ phải trả lương thấp mà vẫn đóng góp được cho doanh nghiệp. Lực lượng lao động đó được đào tạo quay trở lại Việt Nam làm việc thì chất lượng hơn.
Nguồn đào tạo nhân lực của Việt Nam thời điểm này đã có nhiều chương trình hành động, có nhiều cải tiến, tuy nhiên, nhân lực Việt Nam chưa đạt được kỳ vọng. Việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn vào Việt Nam thời gian tới sẽ là một “liều thuốc thử” rất quan trọng đối với lực lượng lao động Việt nói chung và công tác đào tạo nghề của Việt Nam nói riêng.
Ông có khuyến nghị gì về giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Trước những khó khăn mà môi trường đầu tư của Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt là công cụ giảm thuế bị tác động mạnh khi áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, không có cách gì hơn, Việt Nam phải cải thiện, nâng tầm những yếu tố khác thuế trong môi trường đầu tư.
Cải thiện cao nhất là phải đáp ứng được dự án công nghệ cao. Muốn đáp ứng được thì phải có nguồn nhân lực, phải phát triển công nghiệp phụ trợ và có chính sách minh bạch, đồng bộ với các chính sách của các quốc gia phát triển. Vì các quốc gia phát triển có chính sách rất minh bạch.
Việt Nam phải nâng tầm những yếu tố khác trong môi trường đầu tư. Môi trường đầu tư có nhiều thứ, ngoài thuế còn có năng lực lao động, thủ tục hành chính, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, doanh nghiệp Việt.
Về lao động, Việt Nam phải nâng tầm năng suất lao động, kỹ năng lao động. So với khu vực và thế giới chúng ta vẫn ở mức trung bình thấp. Chúng ta phải có kế hoạch dài hơi chứ không chỉ là thay đổi tư duy đào tạo lao động.
Cần thay đổi tư duy đào tạo nghề theo hướng cái mà xã hội cần chứ không chỉ là cái mà chúng ta có. Chúng ta phải phân khúc thị trường lao động. Các nhà đầu tư nước ngoài công nghệ cao cần lao động tỷ lệ kỹ sư, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật cấp trung cao cấp, công nhân lành nghề. Hướng đào tạo nhân lực phải chú ý tới vấn đề này.
Các trường đại học và trường đào tạo nghề cần chú ý khi đào tạo nhân lực: Nhu cầu trước mắt sẽ lạc hậu nên đào tạo phải theo nhu cầu trước mắt và nhu cầu trong tương lai ngắn hạn. Không lấy mục tiêu lao động giá rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài. Phấn đấu loại bỏ lao động giá rẻ để nâng tầm phát triển con người Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm