Thị trường hàng hóa
Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Sau gần 2 năm triển khai, hiệp định đã góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Vương quốc Anh.
Đánh giá tổng kết 1 năm thực thi Hiệp định UKVFTA, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết: Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 5,7 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh phải kể đến sắt, thép các loại tăng 1.269%; rau, quả tăng 67%; sản phẩm mây, tre, cói tăng 56%; hạt tiêu tăng 49%; sản phẩm gốm sứ tăng 32%; phương tiện vận tải, phụ tùng tăng 34%; máy móc, thiết bị tăng 16%.
Về nhập khẩu hàng hóa, Việt Nam nhập khẩu từ Vương Quốc Anh 0,85 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những sản phẩm Việt Nam nhập khẩu tăng mạnh phải kể đến là dược phẩm tăng 35%; máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện tăng 25%; ôtô tăng 29%; nguyên liệu dệt may, da, giày tăng 25%... 7 tháng đầu năm, dù chịu tác động của dịch Covid-19 và những diễn biến của căng thẳng Nga – Ukraine, lạm phát gia tăng trên toàn cầu, song thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh vẫn đạt 3,9 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, Việt Nam xuất siêu hơn 3 tỷ USD.
Cùng với tăng trưởng thương mại, đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam cũng có những dấu hiệu khởi sắc. Tổng vốn đầu tư của Vương quốc Anh vào Việt Nam đạt 4 tỷ USD, từ vị trí đứng thứ 17 đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, sau 1 năm thực thi UKVFTA, Anh đã vươn lên vị trí thứ 12 trong số các quốc gia đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam.
Đặc biệt, số dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh cấp mới vào Việt Nam cũng tăng từ 42 lên 48 dự án, tăng 14%. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới từ 20 triệu USD đã lên 53 triệu USD, tăng 157% vào tổng vốn FDI vào Việt Nam. Sau 1 năm thực thi Hiệp định UKVFTA, dòng vốn FDI từ Vương quốc Anh vào Việt Nam đã tăng từ 256 triệu USD năm 2020 lên 303 triệu USD năm 2021.
Hiện nay, các dự án FDI của nhà đầu tư Vương quốc Anh tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 118 dự án, tổng vốn đăng ký 1,54 tỷ USD, chiếm 38,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản với 23 dự án, tổng vốn đăng ký 1,04 tỷ USD, chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 3 với 7 dự án, tổng vốn đầu tư 701,44 triệu USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo các chuyên gia kinh tế, Vương quốc Anh là thị trường có sức mua lớn, thu nhập 45.000 USD/năm với hơn 67 triệu dân, có nhu cầu tiêu dùng tăng sau dịch Covid-19, đường bay sang Anh không quá xa so với Hoa Kỳ, có nguồn nhân lực sinh viên Việt Nam học ở Anh lớn là cầu nối có thể mở rộng hoạt động thương mại. Khi Anh ra khỏi khối EU, cũng tạo ra lợi thế cho hàng Việt Nam, điển hình như sắt, thép gia tăng được kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Dự kiến, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tiếp tục tăng trưởng khá, duy trì đà tăng trưởng hơn 1 năm qua. Đặc biệt, sự thiếu nguồn cung ứng của thị trường hiện nay là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường thâm nhập thị trường và xuất khẩu. Ngoài ra, nhóm ngành thực phẩm và vật liệu xây dựng được đánh giá có tiềm năng tốt trong thời gian sắp tới.
Ông NGUYỄN VĂN TOÀN - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Vương quốc Anh là nhà đầu tư chất lượng, có công nghệ cao, đề cao tính minh bạch trong kinh doanh. Để tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định UKVFTA, cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính minh bạch đối với môi trường kinh doanh.. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm