Thị trường hàng hóa
Nửa đầu năm 2022, sản xuất của ngành gốm sứ đã và đang có bước phục hồi và tăng trưởng khá. Tính đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành có mức tăng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long đánh giá, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết đã tạo ra những cơ hội lớn cho động xuất khẩu nói chung, thủ công mỹ nghệ và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng.
Cũng theo ông Tín, hiện thị trường của doanh nghiệp 95% là xuất khẩu, trong đó, thị trường xuất khẩu chính là EU. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp tăng khoảng 26 - 27% so với năm trước đó. Năm 2022, doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến tháng 9, tháng 10 này. Đây là một tín hiệu rất tích cực. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng doanh thu xuất khẩu sẽ tăng trưởng khoảng 5 - 7% năm 2022.
Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt 63,77 triệu USD, tăng 4,5% so với tháng 05/2022. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ đạt 375,59 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 6/2022 xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang EU đạt 6,97 triệu USD, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang EU đạt 45,65 triệu USD.
Việt Nam đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Thái Lan) trong số các thị trường cung cấp gốm sứ mỹ nghệ cho EU, với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2021 đạt 7,6%/năm (theo thống kê của Eurostat). Việc thực thi Hiệp định EVFTA đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm thủ công mỹ nói chung và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng.
Các doanh nghiệp gốm sứ nhận định, khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm thật sự là thử thách lớn khi nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng, việc mở rộng sản xuất để nắm bắt cơ hội thị trường không phải doanh nghiệp cứ muốn là làm được. Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu khả quan, song hoạt động xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức. Cụ thể, diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị, giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất tiếp tục tăng… Đáng chú ý, năng lực tự chủ về logistics được coi là rào cản lớn nhất.
Kết quả xuất khẩu hàng hóa đạt tăng trưởng cao đã khẳng định được năng lực sản xuất và khả năng phát triển thị trường của các doanh nghiệp gốm sứ xuất khẩu, song theo ông Vương Siêu Tín hiện nay sản phẩm gốm sứ ngoài chịu sự cạnh tranh trên thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu mặt hàng này cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ doanh nghiệp gốm sứ các nước Trung Quốc, Thái Lan… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường thế giới phải biết “làm mới mình” bằng việc sẵn sàng đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ nhằm bảo đảm chất lượng, giảm giá thành, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Được biết, ở thị trường xuất khẩu ngoài các mặt hàng gốm sứ sân vườn, gốm xây dựng đang được các doanh nghiệp quan tâm. Tiềm năng đối với các mặt hàng gốm xây dựng rất lớn, bởi nhu cầu vật liệu mới trong xây dựng đang tăng mạnh.
Ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1 cho rằng, trong tình hình thế giới luôn có nhiều biến động, để thích ứng và phát triển, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phù hợp, đẩy mạnh việc chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, làm mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc và áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Riêng với thị trường EU để hàng gốm sứ mỹ nghệ thâm nhập, doanh nghiệp phải đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, thường xuyên đổi mới mẫu mã sản phẩm…
Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), để đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng, Việt Nam cần xây dựng, hình thành các trung tâm xử lý và chuẩn hóa nguyên liệu ngành gốm đồng bộ đối với ngành gốm sứ. Đây là động lực để ổn định sản xuất và là tiền đề để phát triển các sản phẩm gốm sứ có giá trị gia tăng cao.
Cùng với đó, quy hoạch các vùng sản xuất gốm tập trung để bảo tồn các trung tâm sản xuất gốm sứ và giảm thiểu tác động của sản xuất gốm sứ đến môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất để đáp ứng được các nhu cầu hợp chuẩn của thế giới.
Tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định đã ký kết để nhập khẩu các sản phẩm máy móc công nghệ hiện đại từ các nước phát triển, sản xuất các sản phẩm gốm sứ xây dựng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, nâng cao giá trị giá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần trên thị trường thế giới.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm