Thị trường hàng hóa
Chi phí tín dụng đóng vai trò quyết định trong tăng trưởng lợi nhuận chung của ngành ngân hàng. Do đó, để kiểm soát rủi ro tập trung liên quan đến cho vay bất động sản (đặc biệt là cho vay kinh doanh bất động sản), Ngân hàng Nhà nước vẫn đang sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát dòng vốn vay.
Hiện tại, nhu cầu vốn cao từ cả khối khách hàng cá nhân và khối khách hàng tổ chức, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 8/2021 đã chạm mức 9,91%. Con số này được đánh giá ở mức cao so với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm từ Ngân hàng Nhà nước là 14%.
Trong báo cáo tháng 9/2022, chuyên gia Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho rằng, việc hạn chế tăng tín dụng không hẳn là biện pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát. Nhưng ngược lại, nếu Ngân hàng Nhà nước “bơm” thêm tiền vào nền kinh tế sẽ làm tình hình trở nên khó kiểm soát hơn.
Việc ngừng cấp thêm tín dụng chỉ mang tính chất tạm thời, và một phần điều tiết lại dòng vốn tín dụng sang các ngành nghề ít rủi ro. Trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng tiền gửi chỉ đạt hơn 4,5%.
Cùng với đó, NHNN cũng có động thái rút ròng khoảng 111.000 tỷ đồng qua kênh OMO (Nghiệp vụ thị trường mở). Điều này khiến cho thanh khoản hệ thống trở nên căng thẳng, nhiều ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng nhỏ) đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Mức tăng lãi suất cũng khá phân hóa giữa các nhóm ngân hàng dao động từ 0,1 - 0,5% trong giai đoạn cuối quý II/2022.
Với diễn biến của lãi suất và tín dụng như trên, nhóm chuyên gia phân tích tại MASVN nhận định, giai đoạn tiền rẻ đã gần kết thúc. Do đó, chi phí tín dụng đóng vai trò quyết định trong tăng trưởng lợi nhuận chung của ngành ngân hàng.
Về chi phí tín dụng, mặc dù nợ tái cơ cấu đã giảm đáng kể trong giai đoạn nửa đầu năm 2022 nhưng dư nợ tái cơ cấu còn lại của một số ngân hàng vẫn còn khá lớn. Một điểm đáng lưu ý nữa là nợ tái cơ cấu của các ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao hơn hẳn so với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp hay đầu tư trái phiếu cao.
Ngoài ra, tuy các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn sở hữu tỷ lệ nợ tái cơ cấu và tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng rủi ro các doanh nghiệp lớn không hoàn thành các nghĩa vụ nợ vẫn có thể xảy ra. Việc này có thể dẫn đến gánh nặng trích lập dự phòng trong dài hạn.
Do vậy, Mirae Asset khuyến khích các nhà đầu tư nên nhắm tới nhóm ngân hàng có tính chất phòng thủ cao. Như các Ngân hàng thương mại Quốc doanh và Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hiện đang giao dịch ở mức P/B (Giá thị trường của cổ phiếu chia cho Giá trị ghi sổ của cổ phiếu đó) lần lượt là 2,2 lần và 1,4 lần.
So với mức P/B lịch sử, thị giá của nhiều ngân hàng vẫn đang giao dịch dưới mức trung bình 5 năm. Do đó, vùng giá này vẫn tương đối hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn và ưa chuộng cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt với triển vọng tăng trưởng bền vững.
Những tác nhân chính dẫn đến sự điều chỉnh sâu của nhóm cổ phiếu ngân hàng bao gồm việc các nhà đầu tư cá nhân bán cổ phiếu do hoảng loạn; các nhà đầu tư kỳ vọng cao về tỷ suất sinh lợi cùng với lo ngại nợ xấu tăng cao. Hiện, giá cổ phiếu của hầu hết các ngân hàng đã phục hồi mạnh, với mức tăng phổ biến từ 15% đến hơn 30% so với mức đáy của tháng 6.
Bên cạnh đó, chuyên gia Mirae Asset cũng đánh giá, nợ xấu tiềm ẩn liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp và nợ tái cơ cấu vẫn luôn là vấn đề cần thận trọng. Đây là rủi ro mà cả nội bộ ngân hàng cũng như các chuyên gia trong ngành khó lượng hóa chính xác, vì vậy nhà đầu tư cần phải lưu ý khi chọn đầu tư vào các ngân hàng có rủi ro tập trung cao hay chất lượng tài sản thấp.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm