Thị trường hàng hóa
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, 4 cổ phiếu có cơ hội đầu tư tốt trong nửa cuối năm 2022 bao gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Quân đội (MB Bank). Trong đó, Vietcombank (Mã: VCB) có đầy đủ câu chuyện về tăng trưởng lợi nhuận tốt, chất lượng tài sản tốt, có khả năng mở rộng NIM (biên lãi ròng). MBB cũng có động lực tăng giá tương tự.
Riêng mã cổ phiếu VPBank (Mã VPB), mọi chỉ số đều không được tốt, nợ xấu ngân hàng tăng cao cũng như tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng không được cao, và ngay cả CASA cũng suy giảm. Tuy nhiên, chuyên gia của VDSC vẫn lựa chọn cổ phiếu này để đầu tư cho nửa cuối năm do NIM của VPBank có khả năng sẽ mở rộng rất mạnh trong nửa cuối năm.
Ông Hiếu cho rằng, cùng kỳ năm ngoái, quý III và quý IV bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch COVID-19, trong khi VPBank có một công ty con là Công ty tài chính FE Credit bị ảnh hưởng bởi trạng thái dãn cách đó khiến NIM của ngân hàng cuối năm cuối suy giảm rất mạnh. Như vậy, trong 6 tháng cuối năm 2022, VPBank sẽ có cơ hội mở rộng NIM rất lớn.
Bên cạnh những câu chuyện về kết quả kinh doanh, thì những yếu tố bên lề cũng giúp các ngân hàng có động lực tăng giá trong thời gian tới. Cụ thể, chuyên gia chia ra hai yếu tố của ngành ngân hàng trong thời gian tới là phát hành riêng lẻ và tiếp nhận ngân hàng 0 đồng.
Theo đó, Vietcombank có cùng lúc cả hai câu chuyện là phát hành riêng lẻ và tiếp nhận ngân hàng 0 đồng. Như vậy, cổ phiếu VCB có đầy đủ động lực tăng giá từ kết quả kinh doanh cũng như các câu chuyện riêng đã đề cập.
Tương tự, VPBank cũng có phát hành riêng lẻ 15% cho nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến tiếp nhận ngân hàng 0 đồng. Ngoài ra còn có BIDV, HDBank, LienVietPostBank,… Chuyên gia cũng lưu ý những yếu tố này dự kiến diễn ra trong năm 2023, do đó đây sẽ là những động lực tăng trưởng dài hạn cho cổ phiếu ngành ngân hàng.
Trả lời câu hỏi các ngân hàng phát hành lượng lớn cổ tức trong giai đoạn vừa qua có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngân hàng hay không, chuyên viên tư vấn đầu tư của VDSC ông Quách Mạnh Cường cho rằng việc các ngân hàng có xu hướng phát hành thêm, chia cổ tức,... sẽ khiến lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường tăng lên rất nhiều.
Điển hình như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), số lượng cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường không quá nhiều cho các nhà đầu tư và được nắm giữ phần lớn bởi các quỹ, tổ chức. Nhà đầu tư có thể nhận thấy khi cổ phiếu mà lượng giao dịch không cần quá nhiều, mức bình quân 20 phiên của cổ phiếu BID rơi vào khoảng 1,7-1,8 triệu cp/phiên thì yếu tố đẩy giá là rất mạnh mẽ.
Riêng VPBank sẽ có mức bình quân giao dịch cổ phiếu khoảng 13 triệu đơn vị/phiên, MBB khoảng 10 triệu cp/phiên, tức là về mặt giao dịch, các ngân hàng tư nhân họ có mục đích tăng vốn để đạt đủ điều kiện hay thậm chí là sử dụng vốn vào hoạt động kinh doanh. Do đó, việc tăng vốn của các ngân hàng là dễ hiểu.
Tuy nhiên, chuyên gia VDSC chỉ ra, nếu so sánh với yếu tố giao dịch có thể thấy lượng cổ phiếu càng nhiều thì tốc độ đẩy giao cổ phiếu sẽ càng khó khăn hơn khi lượng cổ phiếu trôi nổi quá nhiều và không giúp cho cổ phiếu tăng giá nhanh và mạnh. VDSC cho biết, thời gian tới nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp và những ngân hàng có câu chuyện riêng nhiều khả năng sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng cao hơn.
Theo đó, những ngân hàng như Vietcombank, MBBank, Techcombank hay ACB nhiều khả năng sẽ được nới room tín dụng cao hơn thời gian tới. VDSC cũng dự báo, NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng mới trong nửa cuối tháng 9, muộn nhất vào đầu tháng 10 và hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng sẽ có dự phân hoá.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm