Thị trường hàng hóa
KPI (Key Performance Indicator: chỉ số đánh giá hiệu suất trọng yếu, hay còn được gọi là chỉ số quản lý trọng yếu, chỉ số hiệu suất công việc chính) là một thuật ngữ đã được các nhà quản trị doanh nghiệp sử dụng phổ biến trên thế giới từ rất lâu.
Hiểu theo một cách đơn giản, KPI là chỉ số đo lường giúp tổ chức và cá nhân đánh giá kết quả hoạt động có đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu hay không. Không chỉ các số liệu tài chính như doanh thu và tỷ suất lợi nhuận, mà ngay cả các chỉ số về mức độ hài lòng của khách hàng và tỷ lệ sản phẩm lỗi cũng được sử dụng làm KPI.
Không thể không nhắc đến KPI khi nói về quản trị. Tuy nhiên, KPI có thể được áp dụng cho bất kì hoạt động nào liên quan đến con người, ngay cả với tổ chức, cá nhân không phải doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, bởi KPI giúp định lượng hóa các kết quả và cải tiến liên tục chu trình PDCA (Plan-Do-Check-Action).
Theo tác giả Shimada Tsuyoshi, vào những năm 1990, khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của bản thân, thuật ngữ KPI còn khá mới mẻ, chỉ được gọi là “Chỉ số” hoặc “Tỷ lệ”. Tuy nhiên, kể từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, KPI dần dần được các nhà quản trị doanh nghiệp trên thế giới áp dụng rộng rãi và nhanh chóng trở nên phổ biến vì những lợi ích mà nó mang lại.
Điều đặc biệt của cuốn sách là danh mục hóa 100 chỉ số KPI phổ biến, đồng thời hướng dẫn cho bạn đọc cách sử dụng, những vấn đề cần lưu ý, cũng như hỗ trợ cho các tổ chức trong việc xây dựng, triển khai và sử dụng hiệu quả các thước đo mục tiêu trọng yếu này.
Bạn đọc có thể sử dụng cuốn sách này như một cuốn từ điển hoặc một bảng thuật ngữ để tra cứu KPI. Thông qua nội dung cuốn sách, bạn đọc sẽ có cái nhìn tổng quát về quản trị kinh doanh, cũng như một cơ hội để những người đã có kinh nghiệm về quản trị kinh doanh đánh giá lại những kiến thức của mình hoặc thu thập thêm những thông tin mới.
Về cấu trúc, cuốn sách gồm hai phần:
Phần 1 đưa ra khái quát về KPI và những câu chuyện thực tế về KPI bất kỳ doanh nghiệp Châu Á nào cũng từng gặp phải.
Phần 2 của cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc 100 chỉ số KPI tiêu biểu được chia thành các nhóm: Marketing và Sales; Vận hành và Đổi mới; Tổ chức hệ thống; Tài chính - Kế toán; chi tiết hóa cách xây dựng – triển khai – đo lường – điều chỉnh KPI cho từng phòng ban trong công ty.
Như trong phần chỉ số KPI của Marketing và Sales tác giả sẽ đi sâu phân tích chi tiết từng chỉ số như: Doanh thu, thị phần, khách phần, tỷ lệ trải nghiệm sử dụng, độ phủ thị trường, số lượng khách hàng mới, số lượng khách hàng tiềm năng....và hơn 70 chỉ số khác. Những bộ phận khác cũng được tác giả phân tích, dẫn chứng tương tự như: Chỉ số KPI cho vận hành và đổi mới, tài chính, kế toán, kho vận…
Đặc biệt, nếu bạn đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tiếp thị online qua các website, bạn có thể lưu ý đến nội dung về KPI liên quan đến mảng này đã được nhắc đến khá kĩ lưỡng ở Chương 3 như: Lượt truy cập, Thời lượng phiên trung bình, Tỷ lệ bỏ trang, Tỷ lệ chuyển đổi ...
Theo tác giả Shimada Tsuyoshi, nếu nắm được những điểm cơ bản, bạn có thể lựa chọn KPI phù hợp trong bất kì hoàn cảnh nào. Mặc dù đã có đến 100 chỉ số KPI thường gặp, nhưng thực tế sẽ phát sinh nhu cầu không giới hạn về các KPI cũng như có sự khác biệt về về KPI giữa các lĩnh vực khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp đưa ra các chỉ số KPI cho có, không mang lại hiệu quả thúc đẩy hiệu quả công việc và gia tăng doanh số. Lý do bởi lãnh đạo, quản lý hoặc HR chưa hiểu đúng bản chất của KPI cũng như mỗi bộ phận phòng ban sẽ có cách xây dựng KPI riêng nên khi áp dụng còn bị bối rối.
Mặc dù không thể bao quát được hết tất cả các KPI phát sinh trong thực tế, nhưng nếu hiểu rõ được các KPI cơ bản được giới thiệu trong cuốn sách, chắc chắn độc giả có thể triển khai xây dựng và vận dụng những KPI đặc thù phù hợp với tổ chức hay nhu cầu quản trị. "Ngay cả khi có những KPI mới xuất hiện theo thời gian, bạn vẫn có thể nhận ra chúng là một “phiên bản nâng cấp của các KPI ban đầu”, Giáo sư Shimada Tsuyoshi chia sẻ trong lời mở đầu của cuốn sách.
Peter Drucker, cha đẻ của Quản trị học hiện đại từng nói: “Bạn không thể quản lý những thứ bạn không thể đo lường”, KPI chính là công cụ đo lường, điều chỉnh giúp cho quá trình quản lý, vận hành doanh nghiệp hiệu quả. 100+ Chỉ Số Xây Dựng KPI Cho Doanh Nghiệp sẽ là cuốn cẩm nang đầy đủ, dễ hiểu nhất để áp dụng KPI cho tất cả các mô hình doanh nghiệp, cũng như giúp bạn đọc nắm vững kiến thức cơ bản về những KPI nền tảng và có cái nhìn sâu sắc hơn trong quản lý./.
100+ Chỉ Số Xây Dựng KPI Cho Doanh Nghiệp là cuốn sách được thực hiện bởi Trường Kinh doanh Globis và Tsuyoshi Shimada - Giám đốc Phòng Xuất bản Globis, Giáo sư Trường Kinh doanh Globis, Cử nhân ngành Khoa học và hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Khoa học tại trường đại học Tokyo. Globis được thành lập vào năm 1992, trường đã và đang phát triển thành trường kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau với tầm nhìn: Tạo ra một hệ sinh thái bao gồm "con người", "tiền bạc", "trí tuệ" liên quan đến kinh doanh, sáng tạo và chuyển đổi xã hội. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm