Thị trường hàng hóa
Ông James Tan, đối tác quản lý cấp cao của Quỹ đầu tư mạo hiểm Quest Ventures có văn phòng tại Singapore nhận định, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư khởi nghiệp Singapore trong nhiều năm trở lại đây. Lực lượng lao động ở Việt Nam đang được đào tạo ngày một bài bản và giá nhân công hiện vẫn khá rẻ so với Singapore là những nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển dịch này.
Ngoài ra, Việt Nam có dân số hiểu biết về công nghệ và tầng lớp trung lưu đang phát triển khiến nơi đây trở thành một thị trường tiềm năng. Điều đó giúp việc tìm kiếm vốn đầu tư tại Việt Nam trở nên dễ dàng hơn.
Số công ty khởi nghiệp Singapore đầu tư ra nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến của Liên minh đổi mới toàn cầu (GIA) thuộc Enterprise Singapore (Cơ quan hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương Singapore) đã tăng lên hơn 400 trong vòng chưa đầy 5 năm. Kể từ khi GIA mở rộng sang Việt Nam, có khoảng 45 doanh nghiệp đã tham gia chương trình thúc đẩy đầu tư.
GIA là tổ chức được Enterprise Singapore thành lập vào năm 2017. Các chương trình của liên minh này giúp các bên tham gia hiểu được hệ sinh thái đổi mới ở các thị trường nước ngoài và kết nối họ với các nhà đầu tư, các công ty khởi nghiệp, tập đoàn hay các thể chế đang tìm kiếm các đối tác cùng đổi mới.
Singapore luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam cả trước, trong và sau thời kỳ đại dịch Covid-19. Các lĩnh vực mà các công ty đầu tư mạo hiểm đang hướng đến bao gồm công nghệ y tế, chế biến thực phẩm và công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Theo ông Jonathan Lim, lãnh đạo chương trình Mạng lưới Đổi mới toàn cầu của Cơ quan phát triển doanh nghiệp Singapore, 3 công ty khởi nghiệp đã đầu tư thành công vào Việt Nam và hơn 10 công ty đang thảo luận với các đối tác tiềm năng của Việt Nam về các dự án hợp tác. Đồng thời, ông Taku Tanaka, Giám đốc Điều hành của Kamereo, một nền tảng cung ứng thực phẩm ra mắt vào năm 2018, khuyến khích các nhà sáng lập công ty quốc tế quan tâm nghiêm túc đến thị trường Việt Nam và cân nhắc việc ở lại đây hay ít nhất thuê một đội ngũ giỏi sẽ đặt trụ sở ở nước này.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế nước ngoài đều lạc quan khi nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 bất chấp bối cảnh quốc tế còn nhiều khó khăn, bao gồm giá năng lượng cao. Việc chi phí hoạt động tại Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực đang là ưu thế hơn trong việc thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, các công ty muốn vào Việt Nam cũng sẽ đối mặt với một số thách thức như triển khai các dịch vụ trực tuyến và hàng hóa tại các vùng nông thôn, hiện chiếm phần lớn tại Việt Nam. Do đó, bà Amy Wee, chuyên gia tại Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF), cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Singapore cần dành nhiều thời gian hơn đến Việt Nam để tìm hiểu thị trường và xây dựng các mối quan hệ với các đối tác kinh doanh tiềm năng.
Vào đầu tháng 8, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng công bố về tình hình kinh tế Việt Nam với những nhận định lạc quan. Cơ quan này dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ ở mức 7,5%, tăng hơn 3 lần so với mức 2,1% năm ngoái. Đồng thời, nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 8,5%, mức cao nhất so với các nền kinh tế khác trong khu vực.
Moody's Analytics, công ty chuyên cung cấp dịch vụ phân tích trực thuộc tập đoàn tài chính Moody's của Mỹ, cũng đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang nổi lên như là một điểm sáng giữa tình hình biến động và rủi ro lạm phát trong khu vực. Việt Nam, Trung Quốc, Uganda, Indonesia và Ấn Độ được dự đoán sẽ là các quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong thập niên tới.
Bất chấp việc mở cửa thận trọng vào đầu năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã bắt nhịp trở lại rất nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Việc đón đầu làn sóng vốn đầu tư cũng giúp ích rất nhiều cho sự tăng trưởng của Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm