Thị trường hàng hóa
Xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh
Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa cho thấy, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 10 ước tính tăng không nhiều so với tháng trước đó.
Trong tháng 10/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,27 tỷ USD, ước tính tăng 0,1% so với tháng trước (đạt 58,21 tỷ USD) và chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 7,55 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước nhưng giảm gần 5% so với so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,36 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.
Trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86% tổng xuất khẩu cả nước; xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản chiếm 8,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,2%.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam. Các mặt hàng khác như cà phê, gạo cũng tăng trưởng cao cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, tình hình hạn hán tại Trung Quốc ảnh hướng đến sản xuất đã và đang là cơ hội cho xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Bên cạnh đó, lạm phát tại châu Âu, xung đột quân sự tại Ukraine, biến đổi khí hậu làm trầm trọng vấn đề về an ninh lương thực; EU đã xây dựng kế hoạch “Làn đường đoàn kết” để thuận lợi cho việc giao thương nên xuất khẩu nông sản sang thị trường này dần chuyển biến tích cực.
Bên cạnh nhóm nông sản, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 10 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 269,5 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Trong nhóm hàng này, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 10% như: phân bón; hóa chất; sản phẩm hóa chất; Túi sách, vali, mũ, ô dù; Hàng dệt và may mặc; Giầy, dép các loại; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
Ở nhóm còn lại, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 10 tháng năm 2022 mặc dù có xu hướng chậm lại nhưng tiếp tục là nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, tháng 10/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước nhưng tăng 7,1% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu tập trung vào nhóm hàng cần nhập khẩu.
Tháng 10/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,3 tỷ USD.
Đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp
Trong bối cảnh một số thị trường lớn của ta như EU, Hoa Kỳ bị thu hẹp, nhu cầu giảm, Bộ Công Thương xác định, thời gian tới cần tập trung các giải pháp như hướng dẫn doanh nghiệp chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này;
Bên cạnh đó, triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống Thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ thông tin thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các ngành hàng.
Bộ Công Thương cũng tiếp tục theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, trao đổi mua bán hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy thương mại chính ngạch; tăng cường công tác thông tin, định hướng doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch bền vững.
Đối với việc xuất nhập khẩu qua biên giới, cần đẩy mạnh việc đa dạng các hình thức vận chuyển hàng hóa như khai thác tuyến vận tải đường sắt liên vận qua các cửa khẩu đường sắt (như Đồng Đăng - Bằng Tường), giảm áp lực cho các cửa khẩu đường bộ. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục khuyến cáo với cộng đồng doanh nghiệp để trao đổi với bạn hàng Trung Quốc giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế; hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác như đường biển (hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang làm rất tốt).
Làm việc với các doanh nghiệp dịch vụ logistics hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh nông, thủy sản và trái cây thông qua việc ưu tiên bảo quản các loại trái cây, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa. Tăng cường công tác phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm thúc đẩy đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm