Thị trường hàng hóa
Tại Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới lần thứ 5 do Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức mới đây, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, đã có 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt được bán ra cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu.
Năm qua, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng 50%; số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%.
Được bình chọn là một trong 3 nền thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á, cả về quy mô, thị trường và tốc độ tăng trưởng, Việt Nam có tiềm năng lớn về xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới với tốc độ tăng trưởng thường cao hơn gấp 2 - 3 lần so với xuất khẩu thông thường.
Các ngành hàng đang chứng kiến tốc độ kinh doanh ấn tượng nhất trên nền tảng thương mại điện tử của Amazon là: Nhà cửa, nhà bếp, chăm sóc sức khỏe và cá nhân, may mặc, làm đẹp. Trong đó, ngành hàng làm đẹp và thực phẩm chức năng đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh.
Các nhà bán hàng quốc tế đánh giá, xu hướng mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến từ Việt Nam ra toàn cầu tại thời điểm hiện nay mang cho họ nhiều lợi thế, trong bối cảnh ngày càng có nhiều dây chuyền sản xuất hàng hóa dịch chuyển đến Việt Nam.
Để tăng tốc xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy đổi mới kinh doanh và chuyển đổi số tại Việt Nam trong năm tới, Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, sẽ tập trung vào tăng cường sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam; Thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng, bao gồm kết nối các nhà bán hàng với các nhà sản xuất trong ngành hàng trên toàn quốc để tạo và mở rộng danh mục sản phẩm sản xuất từ Việt Nam.
Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhanh chóng nắm bắt xu hướng, cơ hội xuất khẩu trực tuyến…
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm