Thị trường hàng hóa
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Sáng 22/2/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định 1415/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”.
Hội nghị có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương; các Cơ quan đại diện Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam, các Tập đoàn phân phối hàng đầu thế giới như Walmart, Amazon (Mỹ), Carefour (Pháp), Aeon (Nhật Bản), Central Retail, Mega Market (Thái Lan)...
Đề án mới được phê duyệt sau khi mô hình xúc tiến xuất khẩu này đã triển khai thành công trong giai đoạn I từ năm 2015 tới 2022.
Mục tiêu chính của Đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Yếu tố phát triển bền vững - một trong những tiêu chí hàng đầu để hàng Việt “lên kệ” nước ngoài
Chia sẻ tại hội nghị, ông Shiotani, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam đưa ra ví dụ cụ thể: Trước đây, Tập đoàn AEON chủ yếu nhập khẩu mặt hàng chuối tươi từ Philippine (sản lượng nhập khẩu 70%) cho hệ thống phân phối của tập đoàn này.
Ông Shiotani lý giải nguyên nhân chủ yếu nhập từ Philippine là chuối tại đất nước này có chất lượng ổn định và duy trì được sản lượng.
Tuy nhiên, đến năm 2022, AEON bắt đầu triển khai nhập chuối từ Việt Nam và người tiêu dùng cũng đưa ra nhận định, chuối của Việt Nam có vị tươi ngon hơn hẳn so với các nước khác. Chính vì thế trong thời gian tới, AEON sẽ mở rộng và nâng sản lượng chuối nhập khẩu tại Việt Nam vào các hệ thống AEON Nhật Bản.
Giải thích lý do AEON lại nhập chuối từ Việt Nam là vì công ty này có một hệ thống sản xuất tuần hoàn: Ngoài trồng chuối họ có mô hình nuôi thủy hải sản, gia súc và phân bón quay trở lại bón cho cây chuối... Với mô hình khép kín này, lượng rác thải gần như bằng 0.
Ông Shiotani cho rằng: Trong quá khứ, khi nói tới yếu tố hàng nhập khẩu, chúng ta tập trung vào giá cả, chất lượng và chuỗi cung ứng. Nhưng hiện tại và trong tương lai tới, tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp của chúng tôi và cả thế giới đã thay đổi. Đó là việc nhà cung cấp có xây dựng được mô hình sản xuất bền vững hay không?
Ông Aly Ansari, Giám đốc cao cấp Phụ trách nguồn cung, Tập đoàn Walmart Hoa Kỳ cũng cho rằng: Walmart luôn chú trọng những yêu tố cạnh tranh về chất lượng, giá cả, nâng cao tay nghề công nhân và giá trị bền vững.
Walmart kỳ vọng các sản phẩm khi mua và bán sẽ được sản xuất từ các nhà cung cấp có đạo đức, trả lương công bằng cho người lao động, an toàn và hoạt động đề cao tầm quan trọng phẩm giá người lao động.
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp Việt
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Huân - Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cũng đề nghị: Trong thời gian tới, Sở Công Thương An Giang đề xuất được tiếp tục tham gia phối hợp với Bộ Công Thương, cụ thể là Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ thực hiện Đề án giai đoạn 2 thông qua các hoạt động như: Phối hợp với Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Pháp tổ chức hội nghị đón đoàn siêu thị Pháp vào tỉnh khảo sát, tìm hiểu về tình hình sản xuất, xuất khẩu của tỉnh, kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, mục tiêu cụ thể là hỗ trợ sản phẩm rau củ quả tươi/đông lạnh của tỉnh kết nối được với hệ thống siêu thị của Pháp; Tiếp tục phối hợp với Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ giới thiệu các mặt hàng chủ lực là cá tra và rau củ quả tươi/đông lạnh đảm bảo đủ tiêu chuẩn tham gia Chương trình Tuần hàng Việt Nam tại các mạng phân phối nước ngoài; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh trưng bày, giới thiệu tại các Chương trình Tuần hàng Việt Nam theo quy định, mục tiêu đưa ít nhất một mặt hàng chủ lực của tỉnh tiếp tục vào hệ thống siêu thị tại thị trường Châu Âu…
Bên cạnh đó, đại diện nhiều Sở Công Thương và các tỉnh thành cũng đưa ra lời đề nghị được hỗ trợ.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ châu Âu-châu Mỹ cho biết, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương về vai trò của các kênh phân phối nước ngoài ngày càng sâu sắc thêm và kênh phân phối nước ngoài ngày càng được đánh giá cao, được coi là một kênh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm và thương hiệu một cách có hiệu quả.
Ông Linh mong muốn các địa phương phát huy vai trò, tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho các sản phẩm có thế mạnh, lựa chọn một số thị trường thực sự có tiềm nâng và tập trung vào một số doanh nghiệp đầu tàu để từ đó làm động lực cho ngành hàng xâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối nước ngoài.
Hiện ngoài các Vụ Thị trường nước ngoài, cùng với hơn 60 thương vụ ở các nước trên thế giới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương tham mưu, hướng dẫn chiến lược việc tiếp cận thị trường đồng thời thông tin, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với hệ thống thu mua và phân phối nước ngoài.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biét: Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả Đề án, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của Đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng nhằm lựa chọn đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ trong các hoạt động của Đề án.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này.
Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Đồng thời tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm