Thị trường hàng hóa
Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, tổng cộng là 15 FTA, như với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc...
Kết quả cho thấy, 8 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng trên 17%.
Với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 32 tỷ USD, tăng tới 24%. Đặc biệt, xuất siêu sang EU ước đạt tới 21,6 tỷ USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ. Đây là con số ấn tượng sau 2 năm thực thi Hiệp định.
Không chỉ 8 tháng đầu năm mà theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm vừa qua, tính từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.
“Hiệp định này có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, vì EU là đối tác lớn và chúng ta đã có quá trình lâu năm. EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam trong đó có các sản phẩm như thủy sản, lúa gạo. Bên cạnh đó, thị trường EU cũng là một thị trường đa dạng và cả các sản phẩm công nghiệp cũng được tiêu thụ lớn” – ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trong 2 năm vừa qua, đa số các mặt hàng của chúng ta xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%. Còn với các nhóm hàng truyền thống, chúng ta đã xuất khẩu mạnh từ trước khi có hiệp định như dệt may, gia dày, đồ gỗ, cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%. Duy nhất có một nhóm hàng do tác động của dịch Covid-19 có bị giảm sút đó là điện thoại và linh kiện.
Trong khi đó, xuất khẩu sang các quốc gia trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 7 tháng đầu năm cũng có tốc độ tăng trưởng rất cao, như sang Canada tăng trên 20%, Mexico trên 44%; Peru trên 84%...
Với các đối tác lớn khác, như Hàn Quốc, xuất khẩu 8 tháng ước đạt 16,5 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 16 - 17%.
Với Hiệp định thương mại tự do với Anh, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh năm 2021 đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%.
Về phía các doanh nghiệp, nhiều FTA đã được tận dụng tơng đối thành công. Đơn cử, sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ năm 2019, xuất khẩu tôm Việt sang Canada liên tục tăng. Theo đó, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Canada đạt 187 triệu USD, tăng 23% so với năm 2019; năm 2021 tăng 18% so với năm 2019, đạt 180 triệu USD. Tính tới tháng 5 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này cũng ghi nhận mức tăng trưởng 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Canada trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất như Công ty Minh Phu Seafood Corp , Minh Phu-Hau Giang, Stapimex, Vina Cleanfood, Cuu Long Seapro…”, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ.
Dù đã đạt được một số thành công, song ông Trần Thanh Hải cũng thẳng thắn chia sẻ, ký được hiệp định như vậy là một thuận lợi hết sức lớn, nhưng không phải ký được hiệp định thì tự nhiên các cơ hội sẽ đến, nếu chúng ta không tiếp cận được bạn hàng và có những đối tượng khác quan tâm ở các quốc gia thành viên. Đây là khâu mà chúng ta phải đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.
Mặc dù hiện nay có thể nói kết quả tận dụng FTA đang rất tốt, nhưng tính chủ động của doanh nghiệp của Việt Nam chưa cao trong việc đưa sản phẩm tiếp cận các đối tác ở các thị trường, đặc biệt là những thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.
Trong hai năm vừa qua, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cũng gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động giao thương, kết nối các doanh nghiệp của Việt Nam với các doanh nghiệp bạn.
Tuy nhiên đến thời điểm này, khi dịch bệnh được kiểm soát tương đối, kể cả Việt Nam cũng như các quốc gia khác, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, làm sao đi vào hiệu quả, chiều sâu hơn nữa và đặc biệt có tính chủ động hơn nữa. Doanh nghiệp cần có tính chủ động trong việc kết nối và tìm kiếm cũng như giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, thay vì chỉ đợi doanh nghiệp nước ngoài tìm đến, tiếp cận doanh nghiệp Việt Nam.
“Còn những vấn đề về tuyên truyền, phổ biến thông tin, tôi cho rằng, cần sự nỗ lực hơn của cả cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp để cùng cải thiện” – ông Trần Thanh Hải nói.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm