Thị trường hàng hóa
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản - cho biết, một số hệ thống siêu thị tại Nhật Bản đã có kế hoạch tăng nhập khẩu chuối Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tập trung nhập khẩu giống chuối Fohla được bón phân bò trong mô hình VAC khép kín và chuối có chứng nhận hữu cơ.
Trong đó, trước mắt, Tập đoàn AEON đang có nhu cầu nhập khẩu chuối với khối lượng không giới hạn, miễn là các đối tác Việt Nam có thể đáp ứng, đảm bảo chất lượng.
Tại Nhật Bản, chuối nằm trong số trái cây nhiệt đới được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Chuối nhập khẩu từ Việt Nam được người tiêu dùng tại Nhật Bản ưa chuộng bởi có chất lượng thơm ngon hơn so với chuối Philippines. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng nhập khẩu chuối Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, năm 2022, chuối Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản chỉ đạt hơn 7 triệu USD, chiếm chưa đầy 1% thị phần nhập khẩu chuối của Nhật Bản.
Xuất khẩu chuối Việt Nam vào thị trường này còn ở mức khiêm tốn, do đó, còn nhiều cơ hội để gia tăng thị phần tại thị trường này trong những năm tới.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Đức Minh, các sản phẩm rau quả thâm nhập thành công vào Nhật Bản, để giữ được thị trường lâu dài, bền vững là việc không đơn giản. Nước này có tiêu chuẩn cao đối với chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Rau quả xuất khẩu tươi vào Nhật Bản, trong đó có chuối cần phải đảm bảo sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chuối cần thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để kiểm soát chặt chẽ chất lượng, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm