Thị trường hàng hóa
Mới đây, Cục Thống kê Lao động Mỹ đã công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 8, cho thấy tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,1% so với chỉ số tháng 7, trái ngược với dự đoán của các nhà kinh tế. Dù con số này đã giảm so với tỷ lệ kỷ lục 9,1% vào tháng 6, tuy nhiên hiện vẫn đang ở mức cao.
Báo cáo công bố gây ra một đợt bán tháo mạnh ở Phố Wall, khiến nhiều Big Tech chứng kiến mức giảm giá trị vốn hóa tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020. Vốn hóa 6 công ty công nghệ lớn nhất Mỹ gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Meta và Nvidia giảm gần 500 tỷ USD trên sàn chứng khoán chỉ sau 1 đêm.
Cụ thể, Apple mất 154,11 tỷ USD vốn hóa thị trường và giảm 5,87%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2020. Ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong cùng thời kỳ, Microsoft mất 109,33 tỷ USD và cổ phiếu giảm 5,5%.
Alphabet (công ty mẹ Google) chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường mất 85,32 tỷ USD và giảm 5,9%, con số cao nhất kể từ tháng 3/2020. Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng chứng kiến vốn hóa “bay hơi” 98,11 tỷ USD và giảm 7,06%, mức lớn nhất kể từ tháng 5/2022.
Meta, Công ty mẹ của Facebook ghi nhận mức giảm sâu tới 9,4%, tương đương giá trị giảm hơn 42 tỷ USD. Trong khi đó, công ty sản xuất chip Nvidia thiệt hại nặng nhất với mức giảm 9,5% trị giá hơn 34 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Theo các nhà phân tích, báo cáo lạm phát tháng 8 là một trong những báo cáo quan trọng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ xem xét trước cuộc họp ngày 20-21/9, thời điểm dự kiến sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất 0,75% lần thứ ba liên tiếp để đối phó đà tăng lạm phát. Báo cáo CPI có thể khiến Fed tăng lãi suất tới 1%, cao hơn so với dự báo của các nhà đầu tư.
Chính báo cáo CPI tháng 8 cho thấy lạm phát đang cao vượt dự kiến khiến các nhà đầu tư có tâm lý bán tháo cổ phiếu. Giới chuyên gia dự báo từ nay cho đến cuộc họp trong tháng này của Ngân hàng Trung ương Mỹ thị trường giao dịch sẽ biến động mạnh.
Invesco QQQ ETF, Quỹ giao dịch tương hỗ theo dõi 100 công ty phi tài chính được đánh giá cao nhất đang niêm yết trên Nasdaq đã chứng kiến mức giảm 5,5% trong ngày giao dịch được coi là tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Trong số 10 cổ phiếu hàng đầu của quỹ giao dịch này, có tới 6 cái tên thuộc nhóm công nghệ, bao gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Meta và Nvidia.
Ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã giảm mạnh trên diện rộng. Trong số các nhóm ngành bị bán tháo, nhóm ngành công nghệ được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cụ thể, Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 800 điểm, kết thúc phiên thấp hơn gần 4%, ở mức 31.104,97; S&P giảm 4,3% xuống 3.932,69 và chỉ số Nasdaq công nghệ nặng giảm hơn 5% khi các nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ hành động quyết liệt hơn nữa để ứng phó với lạm phát. Theo dữ liệu của CME Group, sau khi công bố CPI, các nhà giao dịch đã loại bỏ hoàn toàn phương án Fed sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm và thậm chí họ dự đoán 10% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 1 điểm phần trăm.
Không chỉ có vốn hóa thị trường của các ông lớn công nghệ, ngay cả những tỷ phú giàu nhất nước Mỹ sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 13/9 vừa qua. Cụ thể, giá trị khối tài sản ròng của các tỷ phú giàu nhất nước Mỹ đã giảm 93 tỷ USD. Đây được coi là mức giảm “tồi tệ” trong lịch sử đối với giá trị khối tài sản ròng của các tỷ phú nước Mỹ.
Trong đó, tỷ phú Jeff Bezos, cựu CEO gã khổng lồ Amazon, đồng thời là người giàu thứ hai thế giới hiện tại là người chứng kiến giá trị khối tài sản ròng sụt giảm nhiều nhất với mức giảm 9,8 tỷ USD trong ngày. Khối tài sản ròng của CEO Tesla Elon Musk cũng bị “xoá sổ” tới 8,4 tỷ USD, mức giảm lớn thứ 2 trong số những tỷ phú Mỹ được Bloomberg Billionaires Index theo dõi.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm