Thị trường hàng hóa
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa báo cáo tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 10 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, tính đến ngày 20/10/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
10 tháng đầu năm cũng ghi nhận có 2.608 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,29 tỷ USD, tăng 66,1% về số dự án và tăng 54% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 5,33 tỷ USD, tăng 19,4% về số lượt nhưng giảm 39% về số vốn so với cùng kỳ.
Ngoài ra, còn có 2.836 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tuy giảm 5,4% so với cùng kỳ về số lượt, nhưng lại tăng 35,4% về số vốn, đạt hơn 5,13 tỷ USD.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù, vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm, song số lượt dự án điều chỉnh vốn duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Không chỉ vốn đăng ký tích cực mà vốn FDI giải ngân trong 10 tháng đầu năm cũng được đánh giá khả quan. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 10 tháng, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính lũy kế đến ngày 20/10/2023, cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 292 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng cao nhất với gần 278,6 tỷ USD (chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 67,4 tỷ USD (chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 38,4 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư).
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm