Thị trường hàng hóa
Theo Ascend Vietnam Ventures (AVV), các nhà khởi nghiệp trên toàn khu vực đang chú ý đến Việt Nam như một bệ phóng lý tưởng cho doanh nghiệp của mình. Bởi Việt Nam đang nằm trong số các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu trên phạm vi toàn cầu, hệ sinh thái công nghệ còn tương đối mới mẻ.
Việt Nam đang thể hiện ý muốn thúc đẩy và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đồng thời quảng bá về nền kinh tế số. Vào năm 2016, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có 1 triệu công ty khởi nghiệp vào năm 2020. Điều này thể hiện qua các chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp startup, cũng như xóa bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định.
Các yếu tố khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm tăng trưởng GDP mạnh mẽ, khoảng 7%/năm trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19, dự báo là 7,5% vào năm 2022. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lực lượng lao động trẻ thành thạo tiếng Anh và có kỹ năng.
Thống kê từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho thấy, năm 2021, các công ty khởi nghiệp của Việt Nam đã huy động được 1,4 tỷ USD thông qua 165 thương vụ, trong khi đó, năm 2019 con số này là 894 triệu USD và 126 thương vụ. Đây là tín hiệu cho thấy hoạt động đầu tư mạo hiểm đang dần phục hồi sau đợt sụt giảm nhỏ do dịch Covid - 19 vào năm 2020.
Ngoài ra, 98% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó, số lượng các tập đoàn lớn hay loại hình công ty gia đình không nhiều nên Việt Nam có thể trở thành một sân chơi bình đẳng để các doanh nghiệp mới gia nhập và tiếp cận thị trường. Lực lượng dân số trẻ của Việt Nam, tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng các khoản đầu tư vào đất đai và cơ sở hạ tầng.
Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng do các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, Việt Nam trở nên thu hút sự quan tâm vì có tiềm năng phát triển hơn nữa để trở thành trung tâm thương mại và sản xuất quốc tế. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang thực hiện chính sách đa dạng hóa và quản lý chuỗi cung ứng, từng bước chuyển nhiều hoạt động sang các thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã đầu tư khu phức hợp thông minh tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 900 triệu USD. Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong Bin cho biết Lotte xem Việt Nam là quốc gia có tiềm năng tăng trưởng cao nhất châu Á. Sau Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam sẽ là thị trường lớn thứ 3 mà Lotte tập trung nguồn lực đầu tư.
Một lợi thế nữa của quốc gia Đông Nam Á này là chính sách tiền tệ tương đối hợp lý. Do đó, Việt Nam không phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao và lãi suất tăng, những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế mới như nhiều nước phát triển đang phải đối mặt.
Theo Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures (GGV), hiện cơ hội trên thị trường Việt Nam nằm trong 3 lĩnh vực chính: công nghệ giáo dục, công nghệ y tế và công nghệ tài chính, ngoài các dịch vụ B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng) và “B2B nhỏ” (doanh nghiệp đến doanh nghiệp nhỏ). Những điều này khiến Việt Nam trở thành “thỏi nam châm” đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những đỉnh của “tam giác vàng khởi nghiệp” ở khu vực Đông Nam Á, hai đỉnh còn lại là Singapore và Indonesia. Việt Nam đang xếp hạng thứ 63 trên tổng số 113 nền kinh tế toàn cầu có có môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp tốt nhất thế giới.
Các công ty đang thu hút sự chú ý tại Việt Nam bao gồm nhà sản xuất xe điện VinFast, hãng game VNG và ví điện tử Momo. Dù môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số của châu Á đã đạt được những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn rất nhiều điểm cần lưu tâm.
Việc niêm yết trên sàn giao dịch trong nước đang dần trở nên hấp dẫn hơn cho việc rút lui và có thể sẽ có danh sách kép dành cho các công ty khởi nghiệp có ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực. Hiện, Chính phủ Việt Nam đã cập nhật chiến lược với các sàn giao dịch từ năm 2016 và quá trình này vẫn đang tiếp tục được cải thiện.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm