Thị trường hàng hóa
Bà Hồng Việt cho biết, trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, các bên đã công bố 3 Báo cáo triển vọng năng lượng, vào năm 2017; năm 2019 và năm 2021. Theo đó, dựa trên việc phân tích các kịch bản dự kiến gắn với mục tiêu cam kết tại COP 26, phía Đan Mạch khuyến nghị Việt Nam nên tập trung vào điện hóa tất cả các ngành/lĩnh vực. Điện hóa giúp giảm tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của kịch bản net zero so với kịch bản cơ sở. Cùng với đó, cần nỗ lực để mức phát thải cần đạt đỉnh muộn nhất vào 2035, để đạt được mục tiêu net zero và tránh chi phí quá cao. Để đạt được net zero với chi phí thấp nhất, điện từ năng lượng tái tạo cần là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân.
Phía Đan Mạnh khuyến nghị, Việt Nam cần phát triển điện mặt trời trang trại ở mức tối đa có thể để giảm chi phí, tiếp theo là điện gió. Hạn chế xây dựng thêm các nhà máy điện khí và LNG và khẩn trương tăng cường và mở rộng hệ thống truyền tải.
Giao thông và công nghiệp là hai ngành khó khử carbon nhất, nên khuyến nghị từ Đan Mạch cho rằng, cần sớm chuyển đổi nhiên liệu và điện hóa ngành giao thông, bắt đầu bằng vận tải đường bộ. Cùng với đó, loại bỏ dần phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sử dụng nguyên liệu hóa thạch từ 2025 và chuyển đổi phương thức vận tải công cộng, vận tải hàng hóa sang đường sắt chạy điện.
Bà Hồng Việt cũng cho rằng, Việt Nam nên phát triển hệ thống tích trữ năng lượng; phát triển điện gió ngoài khơi quy mô lớn; sản xuất hydro xanh và các nhiên liệu điện phân khác và khử carbon trong vận tải thủy và hàng không.
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đang trong quá trình lựa chọn đơn vị Tư vấn để xây dựng Chiến lược chuyển dịch năng lượng, nhằm góp sức thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26. Chiến lược của EVN được xây dựng trên cơ sở dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Theo thông tin từ Tập đoàn, trong giai đoạn 10 năm 2011-2020, nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng trưởng rất cao, bình quân gần 10%/năm. Theo đó, quy mô nguồn điện Việt Nam đã được đầu tư, nâng công suất lên 3,4 lần (từ 20.600MW năm 2010 lên 69.300MW năm 2020). Đến nay, tổng công suất nguồn điện Việt Nam đạt 76.700MW, trong đó: thủy điện là 21.930MW (chiếm tỷ trọng 28,6%), nhà máy nhiệt điện than 24.674MW (32,1%); nhà máy nhiệt điện khí 7.152MW (9,3%), nguồn năng lượng tái tạo 26.670MW (26,9%). Các nguồn điện do EVN sở hữu chiếm tỷ trọng khoảng gần 40%.
Cùng với việc tăng quy mô nguồn điện, tổng lượng phát thải khí nhà kính của các nhà máy trong Tập đoàn điện lực Việt Nam đã tăng 2,47 lần trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020 (từ mức ước tính khoảng 38,72 triệu tấn CO2 tương đương năm 2014 lên mức ước tính 95,75 triệu tấn CO2 tương đương năm 2020).
Ngày 01/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 538/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những quan điểm phát triển quan trọng của EVN. Chiến lược đưa ra các chỉ tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Mục tiêu phát triển của Tập đoàn, ví dụ như về tỷ lệ tổn thất điện năng: Phấn đấu giảm tổn thất điện năng về mức ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN; về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường: Tiết kiệm điện tối thiểu 2% (điện năng so với cùng kỳ năm trước) ở giai đoạn 2020 - 2025.
Theo EVN, đến năm 2021, tỷ lệ tiết kiệm điện năng của Việt Nam ở mức 6,3%, nằm trong TOP 3 ASEAN và tốt hơn một số nước phát triển như Liên bang Nga (10%), Vương quốc Anh (8,3%), Ấn Độ (18%), Brazin (15%), Hồng Kông (12%), Hung-ga-ri (12%), Ru-ma-ni (10%), Tây Ban Nha (9,5%) (Số liệu báo cáo được tham khảo theo nguồn của WB data - 2018). Để giảm phát thải nhà kính, Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng chú trọng đầu tư xây dựng các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà. Đây là các dự án năng lượng có nhiều ưu điểm: không phát thải khí nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch, giá thành sản xuất không phụ thuộc sự thay đổi giá nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống khác.
Chia sẻ về định hướng chuyển dịch năng lượng sắp tới, EVN cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Hiệp ước khí hậu Glasgow đã được đưa ra với sự đồng thuận của gần 200 nước thành viên, tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào năm 2100 theo Hiệp định Paris 2015. Tại Hội nghị, ngày 01/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã cam kết: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.
EVN với vị thế là đơn vị đóng vai trò chính trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, không thể đứng ngoài quá trình chuyển dịch năng lượng. Với các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26, EVN có cơ sở và điều kiện để từng bước thực hiện chuyển dịch năng lượng một cách sâu rộng, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và phát thải thấp. Các cam kết giảm phát thải của Việt Nam cũng sẽ tạo cơ hội cho EVN tiếp cận và khai thác nhiều hơn các nguồn tài trợ, các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật cũng như hợp tác chuyển giao công nghệ của các tổ chức trên thế giới nhằm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, thách thức với EVN là phải làm cách nào vừa đảm bảo cung cấp điện đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng mục tiêu giảm phát thải và vừa phải đảm bảo một mức giá thành kinh tế của hệ thống điện. Để thực hiện mục tiêu này, EVN cho biết, sẽ đề xuất lộ trình chuyển đổi năng lượng của EVN nhằm phù hợp với tiến trình chuyển dịch năng lượng toàn quốc.
Chiến lược chuyển đổi năng lượng của EVN sẽ đưa ra lộ trình chuyển đổi năng lượng cho EVN bao gồm tỷ lệ hợp lý các loại hình nguồn điện, phù hợp với chương trình phát triển điện lực trong Quy hoạch điện VIII. Đảm bảo yêu cầu về an ninh năng lượng theo chỉ tiêu quy định trong các Quy hoạch phát triển điện quốc gia từng giai đoạn. Thúc đẩy phát triển các loại hình năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ. Nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối tiên tiến, hiện đại; bố trí đội ngũ lao động và huy động nguồn vốn thích hợp, hiệu quả.
Hiện nay, EVN đang trong quá trình lựa chọn đơn vị Tư vấn để hỗ trợ EVN trong việc xây dựng chiến lược chuyển dịch năng lượng./.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm