Thị trường hàng hóa
Hãng Chainalysis, Công ty phân tích thị trường blockchain (Mỹ) vừa đưa ra báo cáo về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) 2022. Dữ liệu được thống kê và xếp hạng từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Việt Nam được chấm 1 điểm (điểm tuyệt đối).
Đây là năm thứ ba liên tiếp công ty đưa ra bảng xếp hạng này và cũng là năm thứ hai Việt Nam đứng đầu bảng. Xếp sau Việt Nam, đứng ở vị trí thứ hai là Philippines với 0,75 điểm. Ba vị trí tiếp theo là Ukraine 0,69 điểm, Ấn Độ 0,66 điểm và Mỹ 0,65 điểm. Trung Quốc được 0,53 điểm, đứng thứ 10.
Theo tiêu chí của Chainalysis, họ không xếp hạng dựa trên khối lượng giao dịch tiền mã hóa mà đo lường nơi mọi người chia tỉ lệ tài sản lớn nhất vào tiền mã hóa. Công ty cũng muốn nhấn mạnh đến các quốc gia nơi các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên đón nhận tài sản kỹ thuật số nhất.
Bảng xếp hạng bao gồm 5 chỉ số phụ, mỗi chỉ số dựa trên lượng sử dụng các loại dịch vụ tiền mã hóa khác nhau. 5 chỉ số phụ bao gồm giá trị dịch vụ tập trung nhận được, giá trị dịch vụ tập trung bán lẻ nhận được, khối lượng giao dịch trao đổi ngang hàng (p2p), giá trị DeFi (Tài chính phi tập trung) nhận được và giá trị DeFi bán lẻ nhận được.
Các chỉ số được lấy trung bình trong một năm, thang điểm chấm trong khoảng 0-1 cho từng quốc gia. Năm đầu tiên, Việt Nam đứng thứ 10, sau đó bất ngờ vọt lên vị trí số một và tiếp tục duy trì trong năm nay.
Những con số trên cho thấy sức mua lớn của thị trường Việt trong lĩnh vực tiền điện tử và sự chấp nhận cao của người dân về các công cụ tiền số phi tập trung, DeFi, P2P. Bà Kim Grauer, Giám đốc nghiên cứu của Chainalysis, cho rằng mức độ phổ biến của tiền điện tử ở các quốc gia Đông Nam Á phần lớn đến từ các trò chơi blockchain với mô hình chơi để kiếm tiền (play to earn).
Đơn cử như game P2E (chơi để kiếm tiền) có doanh thu cao nhất thế giới Axie Infinity do người Việt phát hành. Các trào lưu mới như M2E (chạy bộ kiếm tiền) cũng nhanh chóng nở rộ và được nhiều người Việt đón nhận.
Tuy nhiên, Ấn Độ, quốc gia ở vị trí số 4 lại có một câu chuyện khác. Theo bà Grauer, Ấn Độ đón nhận tiền mã hoá lại đến từ cơn sốt NFT (token không thể thay thế). Còn Trung Quốc, vị trí số 10 là một kết quả bất ngờ đặt trong bối cảnh Trung Quốc ban bố các lệnh cấm tiền điện tử mạnh mẽ trong năm 2021.
Trước đó, một số thống kê khác cũng cho kết quả tương đương về sự quan tâm của người Việt với tiền số. Một khảo sát từ năm 2020 của Công ty chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng Statista cho thấy, 21% người Việt được khảo sát nói đã biết hoặc sử dụng tiền số.
Báo cáo lần này của Chainalysis cũng cho thấy chỉ số chấp nhận tiền điện tử đạt mức cao nhất vào quý II/2021, sau đó giảm dần trong hai quý đầu 2022. Một trong những nguyên nhân là thị trường đang bước vào chu kỳ mùa đông, giá tiền số liên tục thủng đáy, các dự án GameFi, DeFi giảm sức hấp dẫn.
Trong báo cáo, vị trí của Mỹ đã lên hạng trong năm nay. Tuy nhiên, tiền mã hoá vẫn chưa được đón nhận rộng rãi ở Mỹ mà mới chỉ tập trung vào nhóm các nhà đầu tư tổ chức.
Trong số 20 quốc gia/vùng lãnh thổ đứng đầu về đón nhận tiền mã hoá: 10 cái tên thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, 8 cái tên thuộc nhóm trung bình cao và chỉ có 2 cái tên thuộc nhóm thu nhập cao là Mỹ và Anh. Các chuyên gia nhận định, hệ thống tài chính ở các quốc gia thu nhập cao có tính ổn định cao hơn, người dùng thường ít có xu hướng tìm đến các tài sản rủi ro cao hơn.
Một xu hướng nhìn thấy từ báo cáo là các thị trường mới nổi đang thống trị bảng xếp hạng. Người dùng tại các nước thu nhập thấp thường dùng tiền mã hóa để gửi kiều hối, tiết kiệm và phục vụ các nhu cầu tài chính khác.
Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có Hiệp hội Blockchain hoạt động chính danh. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6, tỷ phú Changpeng Zhao (CZ), nhà sáng lập Binance, nhiều lần khẳng định Việt Nam đang tiên phong về lĩnh vực blockchain.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm