Thị trường hàng hóa
Đó là thông tin tại Lễ ra mắt chương trình ‘Google for Startups Accelerator, Southeast Asia: Việt Nam bứt phá đổi mới’ nhằm thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam do Google hợp tác cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức ngày 11/7.
Chương trình là cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua sự giúp đỡ từ các chuyên gia, nguồn lực, mạng lưới và công nghệ của Google.
Theo Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á năm 2022, Việt Nam đang nổi lên trở thành trung tâm khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á khi nền kinh tế Internet quốc gia được dự đoán sẽ đạt mức 50 tỷ USD vào năm 2025 (tăng trưởng nhanh nhất khu vực).
Ngoài ra, Việt Nam hiện có 4 công ty kỳ lân công nghệ (tính đến 2023) và hơn 3.400 startups với nguồn nhân sự giàu chuyên môn và đủ khả năng phát triển những giải pháp và sản phẩm công nghệ tiên tiến.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, để tiến lên trình độ công nghiệp hóa ngày càng cao, mỗi quốc gia nhất thiết phải có một số ngành, lĩnh vực nền tảng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong những thập kỷ gần đây, làn sóng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp xuất hiện, phát triển mạnh mẽ, tạo ra các tập đoàn công nghệ trị giá hàng tỷ USD.
Đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ tiếp tục là nhân tố quan trọng để phát triển nền kinh tế của quốc gia, đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu. Thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tiếp tục có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam trong tình hình hiện nay, vốn đang được đánh giá là một “ngôi sao đang lên” ở khu vực Đông Nam Á.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. "Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế với những ý tưởng đột phá, hướng đi mới và cách làm sáng tạo" - Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.
Theo các báo cáo thường niên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Do Ventures và StartupBlink, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Sự tăng trưởng được thể hiện cụ thể qua cả tỷ lệ vốn rót vào thị trường lẫn số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo đang hoạt động tại Việt Nam.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn, chủ yếu do tính “mở” của nền kinh tế. Với những sáng kiến và giải pháp đúng đắn, bám sát xu hướng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi từ những xu hướng này để thực sự trở thành một trung tâm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, chúng ta chưa có được hệ sinh đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh để ươm mầm, nuôi dưỡng và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo; các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn loay hoay dẫn đến vướng mắc về vốn; thiếu kiến thức, kinh nghiệm về kỹ năng quản trị điều hành; thiếu nguồn động viên, hỗ trợ kịp thời mỗi khi gặp thách thức và dễ thất bại.
Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp dự thảo, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, nhằm hỗ trợ, đầu tư phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo... Cụ thể như: Luật Doanh nghiệp; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các nghị định, thông tư hướng dẫn...
Bộ cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực góp phần giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, như tăng khả năng tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam và thị trường quốc tế cũng như các kỹ năng phát triển kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo vận hành hiệu quả hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay đang kế thừa và bộc lộ rất rõ những phẩm chất cần mẫn, thông minh và sáng tạo, cùng với lợi thế về khả năng tự học và thích ứng nhanh trước sự năng động trong môi trường kinh doanh và tiến bộ công nghệ. Những phẩm chất này của thanh niên Việt Nam chính là thế mạnh, là tiềm năng và nguồn lực quan trọng góp phần đưa đất nước tiến bộ, tự tin vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Tuy nhiên, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong một thị trường mở và mang tính cạnh tranh cao. Nếu chỉ kinh doanh bằng niềm đam mê và sự may mắn, doanh nghiệp rất dễ gặp rủi ro. Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay “tay ngang” vào nghề, ít có trải nghiệm sâu sắc từ trong ngành và chưa thực sự hiểu rõ về công nghệ và lĩnh vực mình theo đuổi.
Các bạn trẻ cần phải chuẩn bị những điều kiện “cần” và “đủ” về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và đam mê để doanh nghiệp phát triển bền lâu. Hơn nữa, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam ra quốc tế vẫn còn thiếu sót rất nhiều. Việt Nam có trí tuệ, năng động, sáng tạo nhưng các hệ thống hỗ trợ vẫn chưa đủ mạnh; mô hình kinh doanh còn dàn trải, chưa tập trung; kỹ năng ngoại ngữ, gọi vốn còn yếu; sự cọ xát tại các đấu trường lớn như trong khu vực chưa nhiều.
Chương trình Google for Startups Accelerator, Southeast Asia: Việt Nam bứt phá đổi mới là minh chứng cho cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cũng như cam kết của Tập đoàn Google trong việc hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các thị trường mới nổi.
"Bằng việc cung cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp các nguồn lực cần thiết để họ phát triển và thành công, hai bên đang góp phần đào tạo, phát triển một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân đổi mới sáng tạo kế cận, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời đủ sức vươn ra nước ngoài" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Bà Nguyễn Hồng Ngọc, CEO công ty Momby chia sẻ, Google for Startups không chỉ là một chương trình hỗ trợ về kỹ năng lãnh đạo mà còn hỗ trợ startup về các kiến thức và công nghệ mới nhất. Đặc biệt, chúng tôi có cơ hội trở thành một phần của cộng đồng khởi nghiệp năng động, nơi mọi người sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ để cùng nhau phát triển và thành công.
Ngoài 20 startups được chọn để tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu, Google và các đối tác sẽ đồng thiết kế để cung cấp thêm các phiên đào tạo cho 200 startups khác. Google, NIC và Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam hy vọng sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng startups.” |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm