Thị trường hàng hóa
Talk show "The Next Power" ngày 14/7 sản xuất bởi S-World và VnExpress vừa có một cuộc trò chuyện bất ngờ lần đầu tiên với Hoàng tử Heinrich Donatus của gia tộc hoàng gia Đức Schaumburg-Lippe, là 1 trong 16 gia tộc từng trị vì Đế quốc Đức cho đến năm 1918. Donatus cũng là nhà đồng sáng lập của 3.0 Labs, một studio nghiên cứu và phát triển các dự án mạo hiểm ứng dụng công nghệ blockchain.
Heinrich Donatus tham gia cùng đoàn với Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sỹ Philipp Rosler (Nguyên Phó Thủ tướng Đức) và làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 28/6 vừa qua để tìm hiểm cơ hội thúc đẩy hợp tác, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đức, Thụy Sỹ. Vị hoàng tử chưa đầy 30 tuổi này cho biết anh đã vô cùng ấn tượng với sự năng động và nền tảng của cộng đồng doanh nhân và kỹ sư công nghệ trẻ Việt Nam trong lĩnh vực blockchain.
"Các quốc gia đang phát triển có cơ hội to lớn hơn nhiều so với các nước phương Tây về công nghệ web thế hệ thứ 3 - Web 3.0", Donatus nói tại The Next Power. "Các nước phương Tây có cơ sở hạ tầng quá vững chắc, việc đó trở thành một rào cản cho việc triển khai những thứ mới. Trong khi đó ở các nước như Việt Nam, có cơ hội để chúng ta nhảy vọt và bỏ qua những bước phát triển như phương Tây, thậm chí vượt qua họ".
Những năm qua, nhà đầu tư thế giới "đổ xô" đến Việt Nam và thành lập các quỹ đầu tư chuyên về blockchain. Lượng vốn đổ vào tài sản NFT cũng tăng vọt từ 37 triệu USD lên 4,8 tỉ USD vào năm 2021, theo báo cáo của Finder. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là bởi Việt Nam có khoảng 5,9 triệu người, tương đương 6,1% dân số Việt Nam, đã có tiếp xúc với các tài sản ứng dụng công nghệ blockchain như tiền mã hóa hay NFT.
Con số này được dự đoán sẽ tăng gấp 30 lần cho đến năm 2030 và khiến thị trường này có lợi nhuận. Việt Nam, cùng với Ấn Độ, Pakistan và Ukraine, cũng nằm trong top những quốc gia có tỉ lệ tiếp nhận tiền mã hóa lớn nhất thế giới năm 2021, theo số liệu từ Chainalysis.
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT & CEO PNJ nhận định: "Chúng ta có thể thấy câu chuyện của Trung Quốc 20 năm qua khi họ đã vươn lên từ một nước đang phát triển thành quốc gia dẫn đầu với thế hệ web thứ 2 và Internet. Chính đổi mới sáng tạo (ĐMST) và công nghệ cho phép mọi quốc gia có cùng điểm xuất phát. Với một nước có dân số đông như Việt Nam, Web 3.0 đang và sẽ mang đến cho bất cứ ai trong cộng đồng nhiều cơ hội kinh doanh cũng như nhiều quyền tự chủ hơn trong việc tương tác với thế giới số".
Web 3.0 được hiểu là thế hệ web thứ 3 nơi mà người dùng có thể tham gia vào việc quản trị và vận hành các giao thức web một cách phi tập trung chứ không còn chỉ là người dùng hay khách hàng của các ông lớn như ở thế hệ web thứ 2. Web 3.0 là một môi trường rộng lớn ứng dụng blockchain, nơi các lĩnh vực như Defi (tài chính phi tập trung), NFT (tài sản không thể thay thế), vũ trụ ảo (metaverse) hay DAO (tổ chức tự trị phi tập trung) có điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Ứng dụng cơ bản nhất của Web 3.0 là cho phép mọi người có thể tương tác, vay tiền, đầu tư, hoặc mua bán xuyên quốc gia một cách an toàn mà không cần biết đối tác là ai nhờ có công nghệ blockchain giúp việc trao đổi thông tin và tài sản một cách bảo mật và không thể sửa đổi. Trước đó, để thực hiện các hoạt động này cần rất nhiều biện pháp an toàn như sử dụng luật sư, bảo hiểm, an ninh, kiểm toán và tốn rất nhiều chi phí. Trong khi đó Web 3.0 và blockchain cho phép các hoạt động được thực hiện với tốc độ giao dịch cao hơn và tạo điều kiện cho nhiều tương tác hơn giữa các cá nhân.
Hoàng tử Donatus cho biết: "Nhìn từ góc độ kinh tế vĩ mô, tôi có thể nói rằng việc loại bỏ hoặc tự động hóa các nhân tố quản trị trước đây thậm chí có thể giúp chúng ta vượt qua những cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế nhanh hơn trước rất nhiều".
Mặt khác, mô hình tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) được hình thành tại Web 3.0 mang đến một nền kinh tế gắn kết mọi người lại thành các cộng đồng với cùng một sứ mệnh trước và sau đó mới xây dựng những ứng dụng thực tiễn hoặc kinh doanh để phục vụ cộng đồng.
"Ở Web 2.0, các tập đoàn Internet cung cấp dịch vụ cho người dùng miễn phí và kiếm tiền từ dữ liệu. Nhưng blockchain đã cho phép mọi người có thể đầu tư và sở hữu một phần của cộng đồng. Từ đó, họ có động lực để tham gia kiến tạo, đóng góp và hình thành một nền kinh tề vì các bên tương quan (stakeholder economy)", .
So sánh với mô hình phát triển kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc những năm 60 khi các công ty đã cách mạng hóa ngành công nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng cách tiếp thu kiến thức và nguồn lực từ Hoa Kỳ và nâng cao hiệu suất triển khai, Donatus nhận thấy Việt Nam và các nước đang phát triển đang ở vị trí tương tự khi đang tiếp cận rất nhanh công nghệ blockchain và có thể tạo ra những ứng dụng hiệu quả hơn cho thế giới trong tương lai.
"Với dân số trẻ, 60% dưới 35 tuổi, Việt Nam đang có tiềm năng cực kỳ to lớn. Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị từ thời Web 2.0 và đó là nền tảng cho người trẻ Việt Nam có thể tiếp cận và ứng dụng crypto với tốc độ hàng đầu thế giới", ông Donatus nhận định.
Những năm qua, sự thành công của mảng trò chơi ứng dụng blockchain với điển hình là tựa game Axie Infinity do người Việt xây dựng đã và đang mở ra một con đường cho sự phát triển nhanh chóng hơn nữa của các công nghệ liên quan đến NFT và vũ trụ ảo metaverse tại Việt Nam, theo Donatus.
Sky Mavis, công ty sáng tạo ra Axie Infinity, đã thu hút 152 triệu USD đầu tư ở vòng Series B đầu năm nay và thậm chí từng đạt vốn hoá lên đến 16,7 tỷ USD trước khi có những vụ tấn công ồn ào của tin tặc (hacker). Theo số liệu từ báo cáo của cộng đồng game Yield Guide Game, hiện nay ở Việt Nam có ít nhất 1.000 dự án game blockchain, với khoảng 10 công ty có vốn hóa trên 100 triệu USD.
"Game chỉ là bước đầu tiên cho Web 3.0", ông Lê Trí Thông đồng quan điểm với Donatus tại The Next Power.
"Chúng tôi có một dân số trẻ và dành rất nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử và đó là lý do tại sao chúng tôi có thể trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực này trên thế giới. Sẽ ngày càng có nhiều dự án theo sau ứng dụng blockchain và Web 3.0", ông Lê Trí Thông lý giải.
Ông Lê Trí Thông cũng cho rằng để các dự án Web 3.0 đạt được thành công thì cần phải có đủ năng lực để phục vụ cộng đồng quốc tế ngay từ những ngày đầu. Thậm chí khi thế giới đang trải qua thời kỳ đi xuống của tiền mã hóa, những người hoạt động sâu trong cộng đồng blockchain như Donatus tin rằng những công ty vẫn có thể thành công khi có thể vượt qua "mùa đông băng giá" và trở thành Google, Facebook hay Amazon tiếp theo, giống như những gì đã diễn ra ở thời kỳ "dot-com" những năm 2000.
"Dĩ nhiên đó là những sự thử nghiệm và có thể có những mô hình không thành công hoặc chưa rõ tương lai sẽ đi về đâu. Thế nhưng nguyên tắc là mọi người rất sẵn sàng để thử nghiệm cái mới và đối với Web 3.0, Việt Nam đang xây dựng rất nhiều thứ khiến tôi hứng thú và nơi đây rất có thể sẽ trở thành trường học tiếp theo của thế giới", Donatus cho biết.
Chính vì vậy, vị hoàng tử khuyến khích các kỹ sư và doanh nhân tham gia vào lĩnh vực này tại Việt Nam hãy loại bỏ tư duy dự án ngắn hạn mà thay vào đó là suy nghĩ đến việc xây dựng những giá trị dài dạn cho cộng đồng.
"Đừng nghĩ đến việc kiếm tiền một cách nhanh chóng, điều đó sẽ phá hủy ngành công nghiệp này. Thứ các bạn cần tập trung là làm sao để giúp đỡ mọi người trong đất nước của mình", Donatus nhấn mạnh./
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm