Thị trường hàng hóa
Theo tin từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay tổng diện tích đất canh tác hữu cơ năm 2020 đã tăng lên 174.300ha; tăng 47% so với năm 2016. Đến năm năm 2021, hầu hết địa phương trên cả nước đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Lực lượng các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tiêu thụ hàng năm khoảng 500 tỷ đồng ở thị trường trong nước; chủ yếu tiêu thụ tại 2 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội (chiếm 80% cả nước, đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm)
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm, tới 180 thị trường trên thế giới. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, các sản phẩm hữu cơ được xuất khẩu là chè, tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị... với số lượng còn rất hạn chế.
Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra và cần phải giải quyết cho nền nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam.
Thứ nhất, cần nhìn nhận là nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang có xu hướng tăng mạnh và vượt quá nguồn cung. Tuy nhiên, xu hướng tăng cường các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm, hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường tại tất cả các quốc gia bao gồm cả Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Trong nước, nông nghiệp hữu cơ vẫn đang thiếu các cơ chế hỗ trợ đủ mạnh, thiếu cơ chế đặc thù để hiện thực hóa chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Thứ hai, mức hỗ trợ từ chính sách còn nhỏ so với nhu cầu. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp còn hạn chế. Việc quy hoạch, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp còn bất cập.
Thứ ba, khâu tổ chức sản xuất theo chuỗi chưa triển khai được trên diện rộng nên phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Năng lực của các tổ chức chứng nhận, kinh nghiệm chuyên gia đánh giá còn hạn chế, chưa có nhiều chuyên gia giỏi và chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ. Việc quản lý hoạt động chứng nhận và các tổ chức chứng nhận của cơ quan chức năng hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Thứ tư, trên thị trường, ngành chức năng chưa có cơ chế quản lý xử phạt về ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm hữu cơ được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia chưa thực sự có uy tín và được chấp nhận trên thị trường thế giới.
Vì vậy, một trong những giải pháp lớn là cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách dành cho nông nghiệp hữu cơ và phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Cùng chia sẻ về những hạn chế, khó khăn, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hữu cơ chưa được đầu tư thực hiện rộng rãi, duy trì thường xuyên với quy mô lớn. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là sản phẩm cao cấp, tiêu chuẩn cao, giá thành cao nên kén người dùng. Đó là điều cần thừa nhận để định hướng phát triển cho nông nghiệp hữu cơ.
Do đó, muốn phát triển cho nông nghiệp hữu cơ thì trước hết phải phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sau đó là nâng cấp tiêu chuẩn chứng nhận của Việt Nam. Ngành nông nghiệp ghi nhận ý kiến của nhiều cá nhân, đơn vị trong cách gọi tên còn mập mờ như: định hướng hữu cơ, hướng tới hữu cơ. Việc này cần phải nhất quán trong thuật ngữ. Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam cũng cần phải hoàn thiện nhiều và nhanh để sớm đạt mức tương đồng thế giới.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm