Thị trường hàng hóa
Vào ngày 1/9, một nhóm người trung niên ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, đã đổ hàng trăm chai nước khoáng xuống sông để phóng sinh. Hành động của nhóm người nhanh chóng thu hút sự chú ý của những người qua đường - những người cố gắng thuyết phục họ không lãng phí nước khi đất nước đang phải hứng chịu một trong những đợt hạn hán và nắng nóng tồi tệ nhất từng được ghi nhận.
Một người qua đường cho biết số chai nước nhiều đến mức nhóm người phải dùng xe đẩy để chuyển chúng đến cầu, hạn sử dụng trên những chai nước cũng còn rất lâu. “Tôi hỏi họ tại sao lại đổ nước xuống sông và đề nghị họ đem nước tới các trạm phúc lợi công cộng để những người có nhu cầu có thể lấy nước. Họ đáp lại rằng nói rằng tôi đang làm phiền và ảnh hưởng đến sự thành tâm của họ khi cầu nguyện”, người đàn ông giấu tên cho biết.
Video quay lại cảnh “phóng sinh” nước nhanh chóng trở thành một trong những chủ đề thịnh hành nhất trên mạng xã hội Weibo với 82 triệu lượt xem. “Họ đang tiêu tiền của chính họ, nhưng họ đang lãng phí nước. Như vậy không phải là phạm tội sao?”, một người để lại bình luận.
“Họ đang giải phóng nước khỏi não của họ”, một người khác mỉa mai. Người Trung Quốc thường dụng cụm từ “não bị thấm nước” để mô tả những người bị coi là mất trí.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Trung Quốc “thả nước về tự nhiên”. Vào năm 2018, một nhóm cư dân ở Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc, đã đổ nước khoáng đóng chai xuống một con sông lớn trong một nghi lễ tương tự.
Nghi lễ phóng sinh, hay còn được hiểu là "thả sự sống vào thiên nhiên" đã xuất hiện ở Trung Quốc từ thời cổ đại, được thực hiện chủ yếu bởi các tín đồ Phật giáo. Nghi lễ nêu bật giáo lý về lòng nhân ái và từ bi của đạo Phật. Nhiều người tin rằng hành động này sẽ mang lại nghiệp tốt. Thông thường mọi người sẽ sử dụng cá, chim, tôm và rùa. Một số người cũng thả rắn, thỏ, chuột và thậm chí cả bọ cạp và cá sấu.
Nghi lễ phóng sinh không ít lần gây tranh cãi. Các nhà bảo vệ môi trường lo ngại rằng một số động vật được thả không phải không đúng nơi sẽ gây hại cho hệ sinh thái địa phương. Hiệp hội Phóng sinh tỉnh Quảng Đông cho biết: "Chúng tôi từ chối thả các loài ngoại lai, đặc biệt là các loài xâm lấn có hại, nếu không chúng tôi có thể phải chịu một phần trách nhiệm hình sự”.
Vào tháng 6/2019, một số lượng lớn rắn độc đã xuất hiện tại một thị trấn thuộc tỉnh Hồ Bắc, một người dân địa phương đã tử vong sau khi bị rắn cắn. Sau hơn 3 tháng điều tra, đến ngày 29/9, cảnh sát địa phương đã tìm ra nguyên nhân và bắt giữ một người đàn ông họ Yue. Yue thừa nhận đã phóng sinh khoảng 40kg gồm hàng chục con rắn nhỏ ra môi trường với hy vọng gặp may mắn trong công việc kinh doanh bất động sản.
Bà Zhang, một người dân Thâm Quyến có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phóng sinh động vật, tin rằng hành động phóng sinh nuôi dưỡng lòng tốt của con người đối với động vật. Theo bà, trong nước đóng chai không có động vật và phóng sinh nước là “một hành động ngu ngốc”.
Hơn hết, hành động đổ nước khoáng xuống sông khiến dư luận phẫn nộ bởi Trung Quốc đang trải qua mùa hè tồi tệ nhất 60 năm qua. Đợt nắng nóng đã kéo dài hơn 70 ngày, quét qua các vùng đất rộng lớn của Trung Quốc và phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tại hàng trăm trạm khí tượng. Một nửa diện tích nước này ghi nhận mức nhiệt thấp nhất là 35 độ C, mức nhiệt cao kỷ lục đo được ở Trùng Khánh lên tới 45 độ C.
Sóng nhiệt và hạn hán đi kèm đã làm tê liệt nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhà máy thủy điện. Tình trạng thiếu điện khiến các nhà ga phải tắt bớt đèn, văn phòng chính quyền được yêu cầu giữ mức nhiệt độ của điều hòa không thấp hơn 26 độ C. Người dân cũng có xu hướng tìm đến các nhà hàng được phục vụ trong hầm hoặc hang đá để tránh nóng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm