Thị trường hàng hóa
TPHCM tìm giải pháp thu hút đầu tư đối với các dự án kinh tế xanh
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức diễn đàn kỳ 2 với chủ đề: “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TPHCM".
TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các loại năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối không chỉ giúp ứng phó các tác hại đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia trong xu hướng xanh hóa toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông Lịch, tính đến hiện tại, “xanh hóa” hay “năng lượng tái tạo” vẫn đang còn là những cụm từ chưa thực sự quen thuộc với doanh nghiệp; khung quy định cho lĩnh vực này tại Việt Nam cũng chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng muốn làm nhưng không làm được hoặc làm nhưng bị trì hoãn do vướng.
"Không chỉ vậy, càng rủi ro hơn là việc thiếu quy định, hướng dẫn còn làm tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp khiến nhà đầu tư và nhà nước đều quan ngại” – TS Trần Du Lịch đánh giá.
"TPHCM có nhiều lợi thế khi được cho phép thí điểm cơ chế đặc thù, bao gồm cả đặc thù trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo, tuy vậy vì những rào cản chung của chính sách, quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 98 đối với lĩnh vực này gặp không ít thách thức.
Vì vậy, kỳ vọng các chuyên gia có kinh nghiệm, đặc biệt về mặt pháp lý có thể đồng hành để tư vấn, hỗ trợ thành phố trong tiến trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng tái tạo nhằm giúp quá trình đầu tư, vận hành diễn ra an toàn, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia", TS Trần Du Lịch nói.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam), Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam cho biết, hiện nay, nhà đầu tư dành phần nhiều quan tâm đối với dự án năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, thời gian phê duyệt các nghị định kéo dài khiến cho các nhà đầu tư e dè, làm chậm tiến độ dự án và ảnh hưởng đến cam kết đầu tư dài hạn.
"Cơ chế hợp tác giữa cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân còn hạn chế cũng làm mất đi cơ hội tận dụng chuyên môn và nguồn tài chính từ khu vực này, tạo gánh nặng tài chính và hành chính cho chính quyền thành phố" - ông Thắng nói.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhận định, phát triển kinh tế bền vững đang là mô hình mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến và Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng vẫn cũng không nằm ngoài xu thế này.
TPHCM cũng vừa ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030, nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021 – 2030.
Theo đó, TPHCM xác định 14 nhóm nhiệm vụ chính nhấn mạnh đến yếu tố “xanh” trong phát triển, nổi bật; trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án năng lượng tái tạo. Thành phố đã có kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030, có cơ chế chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 - đều là những hành lang cần thiết cho sự thúc đẩy phát triển các dự án xanh tại thành phố.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng băn khoăn liệu với chính sách tạo điều kiện, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TPHCM có đang thuận lợi hay không đối với nhà đầu tư?.
"TPHCM rất hoan nghênh các ý tưởng các chuyên gia đóng góp tại diễn đàn. Đây là cơ hội để thành phố đến gần và lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư, từ đó, có sự cải cách trong môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố", ông Hoan nói.
UBND TPHCM dự kiến thí điểm triển khai mô hình năng lượng gió theo công nghệ mới tại biển Cần Giờ. Theo đó, các vùng ven biển Cần Giờ như xã đảo Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh, xã Lý Nhơn... được đánh giá là những nơi có điều kiện thuận lợi phát triển các dạng năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió.
Theo tính toán của các chuyên gia về năng lượng, Cần Giờ có 3 vị trí có thể lắp đặt 8 - 10 turbine điện gió 1,5 MW, đó là các vị trí dọc bờ biển xã Thạnh An, dọc bờ biển thị trấn Cần Thạnh, khu vực đuôi Sam tại xã Lý Nhơn.
Đặc biệt, việc ứng dụng và phát triển công nghệ điện gió tại Cần Giờ có ý nghĩa to lớn cho xã đảo Thạnh An, nơi có tiềm năng phát triển năng lượng gió và có khoảng gần 1.000 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia do xã đảo nằm biệt lập cách bờ gần 10 km.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm