Thị trường hàng hóa
“Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài” sẽ diễn ra vào chiều 19/8. Trước thềm Hội nghị, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Kim - Bí thư thứ Nhất, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út về công tác phát triển thị trường, làm cầu nối cho hàng Việt "bám rễ" tại thị trường nước ngoài.
Để hàng hóa của Việt Nam có mặt ngày càng nhiều hơn ở thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út đã triển khai những hoạt động, giải pháp như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác thông tin thị trường, kết nối giao thương, giải quyết tranh chấp thương mại trong thời kỳ mới?
Ba năm trở lại đây, Thương vụ Ả rập Xê út đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến, mở rộng thị trường như: Trước Covid-19 đã triển khai các đoàn xúc tiến thương mại từ Việt Nam sang tìm hiểu thị trường, kết nối doanh nghiệp trực tiếp; thường xuyên cung cấp thông tin, nhu cầu thị trường sở tại với Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề đồng thời giới thiệu những doanh nghiệp uy tín sở tại để doanh nghiệp giao dịch trực tiếp.
Đồng thời, giúp đỡ nhiều doanh nghiệp trong nước xác minh thẩm tra đối tác để tránh những rủi ro không đáng có; có thông tin cảnh báo doanh nghiệp trên các báo để doanh nghiệp cẩn trọng trong giao dịch và hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết tốt những tranh chấp thương mại; phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành trong nước trong việc đấu tranh với bạn dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thủy sản sang thị trường; tiếp nhận hàng mẫu của nhiều doanh nghiệp để trưng bày, quảng bá tại các địa phương và phòng giới thiệu sản phẩm xuất khẩu.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út có những khuyến nghị như thế nào với các doanh nghiệp trong chiến lược phát triển thị trường trong tình hình mới?
Để phát triển thị trường trong tình hình mới, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách để có những sản phẩm phù hợp, có chất lượng tốt, duy trì chất lượng đồng đều; xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, từng bước đưa kèm vào thị trường song song với việc sản xuất, đóng gói, dán nhãn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, phân phối.
Thị trường Ả rập Xê út yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thịt, các sản phẩm từ thịt, thực phẩm ướp lạnh và đông lạnh nhập khẩu, đồ uống, bánh kẹo, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu ăn, chất béo cần có chứng nhận Halal, hàng hóa khác cần có chứng nhận SASO (tương tự ISO); có hàng mẫu gửi cho đối tác với thông tin sản phẩm rõ ràng, có đầu mối liên hệ giao dịch được bằng tiếng Anh, có email cố định, kiên trì trong giao dịch với khách hàng khu vực, nóng vội sẽ mất đi cơ hội.
Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch thành lập văn phòng đại diện hoặc công ty liên doanh tại thị trường, điều này làm cho đối tác tích cực trong việc quảng bá, mở rộng thị trường sát với nhu cầu và thị hiếu của khách hơn.
Thương vụ có đề xuất, kiến nghị gì để đổi mới hoạt động Thương vụ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, xây dựng hệ thống Thương vụ năng động, chuyên nghiệp, phục vụ hiệu quả cộng đồng doanh nghiệp?
Mỗi Thương vụ cần xây dựng được 1 phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu, cập nhật thường xuyên các mặt hàng; thường xuyên cập nhật những quy định, chính sách thuế, chính sách thương mại mới của địa bàn tới cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tuân thủ và thích ứng.
Ngoài ra, mỗi Thương vụ nên biên soạn cẩm nang xuất khẩu, kinh doanh với thị trường mình phụ trách để doanh nghiệp có hướng tiếp cận sát và nhanh chóng; có mối liên hệ thường xuyên, tạo đầu mối với các phòng Thương mại địa phương, hiệp hội ngành nghề và duy trì mối quan hệ đồng thời mở rộng địa hợp tác qua các hội thảo, tọa đàm về kinh doanh với Việt Nam để nắm bắt nhu cầu sở tại cũng như kết nối khách hàng thông qua các đầu mối này.
Được biết, thời gian qua, Thương vụ Ả rập Xê út đã xây dựng và phát huy có hiệu quả phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu tại Ả rập Xê út với 140 doanh nghiệp có hàng mẫu trưng bày gồm các lĩnh vực nông sản (gạo, mỳ gạo, mỳ ăn liền, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè, mật ong, thạch dừa, dầu dừa…), thực phẩm, cá hộp, nước sốt, đồ uống, bánh kẹo, mỹ phẩm, hàng may mặc, đồ trang trí nội thất, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, vật tư y tế, than củi, trầm hương, du lịch,… Đồng thời, quảng bá hàng mẫu của các doanh nghiệp tới 10 tỉnh, địa phương Ả rập Xê út; Tổ chức hàng năm tuần quảng bá hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị Lulu. Thương vụ cũng đã thành công trong việc đấu tranh, vận động bạn dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, hiện đã có 38 doanh nghiệp đánh bắt thủy sản được xuất khẩu sang thị trường, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng năm 2022 tăng 395% so với cùng kỳ năm 2021. |
Xin cảm ơn ông!
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm