Thị trường hàng hóa
Chia sẻ tại hội nghị “Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm”, sáng ngày 13/11, TS Lưu Hương Ly – Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường.
Đồng thời, giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm. Chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh yêu cầu xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp làm giàu theo pháp luật gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội. Việt Nam đã cam kết đưa các tiêu chuẩn tối thiểu về thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào nội dung luật pháp trong nước cũng như tại các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, khu vực.
Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm để tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức liên quan đến nhận thức của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Cùng đó là thách thức về khung pháp lý về thực hành kinh doanh có trách nhiệm và hiệu quả thực thi pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần xây dựng Chương trình hành động quốc gia, trong đó đưa ra lộ trình cụ thể. Lộ trình này cần tập trung ưu tiên thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm ở 5 lĩnh vực, bao gồm: thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao; bảo vệ môi trường; quan hệ lao động và các tiêu chuẩn lao động; bảo đảm các quyền dân sự của nhóm yếu thế và bảo vệ quyền của người tiêu dùng.
Ngày 14/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027. Lĩnh vực trọng tâm của chương trình là thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao; quan hệ lao động và các tiêu chuẩn lao động; bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương; bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, bà Ly khuyến nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, phổ biến và khuyến nghị áp dụng Bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư phù hợp với bối cảnh và các ưu tiên của địa phương.
“Cần hoàn thiện, lồng ghép các cơ chế giám sát, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ người dân và doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý Nhà nước (như đường dây nóng, hộp thư tiếp nhận, hoạt động đối thoại...) đối với việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng hoặc các nhóm dễ bị tổn thương. Qua đó, hình thành các cơ sở dữ liệu thông tin về thực hành kinh doanh có trách nhiệm”, bà Ly nhấn mạnh.
Đồng thời, bà Ly cho rằng, cần hướng dẫn doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích xây dựng các quy chế tự khắc phục và phòng ngừa trong nội bộ doanh nghiệp. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thực hành kinh doanh có trách nhiệm; tổ chức các hoạt động đối thoại với các cơ quan Nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có liên quan.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm