Thị trường hàng hóa
Năm nay ghi nhận sự bứt phá mạnh của ngành lúa gạo. Sản lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn, với kim ngạch đạt hơn 4,4 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục, cao nhất trong 34 năm trở lại đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hiện nay, Indonesia là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Về nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia trong năm 2024, trong 5 năm qua, kể từ năm 2018, sản lượng gạo sản xuất bình quân của nước này tương đối ổn định quanh mức 31 triệu tấn/năm, trong khi mức tiêu dùng khoảng hơn 30 triệu tấn/năm. Đây tiếp tục là cơ hội cho gạo xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt khi thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia sẽ rất lớn, như trường hợp năm 2023.
Dự báo trong 6 tháng đầu năm 2024, Indonesia sẽ phải tiếp tục nhập khẩu gạo. Số lượng và thời điểm nhập khẩu sẽ do chính phủ Indonesia quyết định và thông báo căn cứ vào tình hình sản xuất trong nước, diễn biến thời tiết và thị trường nội địa. Trước mắt lượng gạo nhập khẩu còn lại trong năm 2023 chưa được thực hiện. Chính phủ xem xét gia hạn kéo dài thực hiện trong những tháng đầu năm 2024.
Để tận dụng được lợi thế xuất khẩu, trước hết, việc vận hành bền vững chuỗi sản xuất cần được ưu tiên. Xuất khẩu lúa gạo hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh cao, nguồn cung không ổn định và biến đổi khí hậu… Thực tế mới đòi hỏi ngành hàng quan trọng này cần có chiến lược xoay chuyển để hình thành một hướng đi mới bền vững và thịnh vượng hơn.
Những xoay chuyển từ làm lúa truyền thống sang làm lúa hiện đại, giảm phát thải cũng là cơ sở để Việt Nam là quốc gia đầu tiên tham gia thị trường tín chỉ carbon từ trồng lúa. Trong xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những sản phẩm dán nhãn carbon thấp, gạo Việt Nam sẽ tạo được sự khác biệt. Bên cạnh đó, nếu ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất, từ đồng ruộng cho tới nhà máy chế biến, Việt Nam sẽ có một ngành hàng lúa gạo hiện đại và chuyên nghiệp hơn.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm