Thị trường hàng hóa
Giá dầu thô tăng cao
Tính đến 6h sáng nay (3/11), theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua xuất hiện ngay từ phiên mở cửa sau báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy mức tồn kho dầu thô giảm mạnh, trái ngược với dự kiến tăng nhẹ của thị trường trong tuần kết thúc ngày 28/10, phản ánh nhu cầu vẫn đang khá tích cực. Tuy nhiên, lo ngại về dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đã kéo giá quay đầu giảm nhẹ sau khi chạm kháng cự 89,7 USD/thùng. Quốc gia này đã phải đóng cửa một số khu vực ở khu kinh tế Trịnh Châu trong 7 ngày, khiến kỳ vọng về sự phục hồi tiêu thụ lung lay và gây áp lực đến giá.
Mặc dù vậy, lo ngại về nguồn cung vẫn là yếu tố lấn át khi báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) củng cố cho sự sụt giảm từ phía nguồn cung. Tuy mức giảm thấp hơn con số 6,5 triệu thùng mà API đưa ra, song dự trữ dầu thô của Mỹ theo EIA giảm 3,12 triệu thùng so với tuần trước, trong khi dự trữ xăng giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 11/2014 tiếp tục củng cố cho đà tăng của giá dầu.
Bên cạnh đó, nguồn tin từ Reuters cho biết sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm lần đầu tiên vào tháng 10 kể từ tháng 6. Cụ thể, 10 thành viên chính của nhóm OPEC đã cung cấp 25,33 triệu thùng/ngày trong tháng 10, thấp hơn khoảng 20.000 thùng/ngày so với tháng 9. Thêm vào đó, các quốc gia này vẫn đang sản xuất dưới mức hạn ngạch khi sản lượng ước tính thực tế trong tháng 10 này đang thấp hơn 1.36 triệu thùng/ngày so với mục tiêu thoả thuận. Rủi ro từ nguồn cung thắt chặt đã khiến giá dầu tăng khoảng 2 USD/thùng trong phiên tối.
Giá dầu chỉ gặp áp lực trở lại vào cuối phiên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 4 liên tiếp, đưa mức lãi suất hiện tại lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, chủ tịch Fed tiếp tục cho thấy thái độ quyết liệt của mình trong tiến trình thắt chặt tiền tệ qua bài phát biểu sau đó, kéo chỉ số Dolalr Index tăng mạnh. Đây có thể sẽ là yếu tố chính gây sức ép bán cho dầu thô trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, lo ngại về nguồn cung thắt chặt nhiều khả năng sẽ hạn chế đà giảm quá sâu của giá.
Triển vọng tiêu thụ tích cực thúc đẩy giá bông tăng
Đóng cửa ngày giao dịch 2/11, sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi bông có phiên chạm giới hạn thứ 2 liên tiếp, 4.00 cents, cà phê Arabica bật tăng mạnh hơn 4% khi nguồn cung thắt chặt trong ngắn hạn.
Bông tăng vọt ngay từ đầu phiên giao dịch khi tiếp tục hấp thụ thông tin về các cuộc biểu tình tại Brazil đang làm cản trở hoạt động giao hàng của nước này, đặc biệt là các mặt hàng của bang Mato Grosso và bông cũng là một trong nhưng mặt hàng chủ lực của bang nông nghiệp này. Bên cạnh đấy, việc Trung Quốc, nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới có động thái trong việc nới lỏng chính sách Zero Covid để đảm bảo cho sự tăng trưởng, điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho nhu cầu tiêu thụ bông khởi sắc, từ đó hỗ trợ giá giúp bông trở thành mặt hàng dẫn đầu xu thế tăng của nhóm với mức tăng 5,33%.
Theo sau đó, cà phê Arabica cũng tăng mạnh 4,32%, tương đương 7.55 cents. Lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 10 của 2 nước cung ứng Arabica hàng đầu thế giới là Honduras và Bờ Biển Ngà giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nguồn cung đang bị thắt chặt trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá giúp mặt hàng này tăng mạnh. Tuy nhiên, vấn đề về nguồn cung sẽ sớm được giải quyết khi Bờ Biển Ngà đang vào thời điểm thu hoạch đỉnh điểm và dự kiến sản lượng sẽ tăng hơn 11% so với giai đoạn trước, Honduras cũng dự kiến mức sản lượng cao hơn năm ngoái.
Hai mặt hàng đường cũng ghi nhận sự khởi sắc trong phiên hôm qua với mức tăng khiêm tốn hơn, đóng cửa đường 11 tăng 0,22% và đường trắng tăng 0,77%. Ban đầu giá đường giảm sâu do áp lực từ việc giá dầu thô sụt giảm có thể thúc đẩy nguồn cung đường gia tăng tại Brazil, từ đó gây sức ép lên giá. Sau đó giá được hỗ trợ tăng trở lại khi Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 3 thế giới quyết định tăng giá mua đối với ethanol, điều này có thể thúc đẩy các nhà máy tại đây đẩy mạnh hoạt động sản xuất ethanol để thu được nhiều lợi nhuận hơn, gián tiếp đẩy nguồn cung đường có thể suy yếu. Chính sự hỗ trợ này giúp giá đường đảo chiều ghi nhận sắc xanh trong phiên hôm qua.
Dầu cọ thô cũng có phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng hơn 3% trong bối cảnh nguồn cung dầu thực vật trên toàn cầu đang có dấu hiệu bị thắt chặt. Cụ thể, các cuộc biểu tình tại Brazil làm ảnh hưởng đến hoạt động nông sản trong đó có dầu đậu tương. Với cương vị là nước xuất khẩu dầu đậu tương lớn thứ 2 thế giới, việc gián đoạn xuất khẩu đã gián tiếp đẩy nhu cầu đối với các loại dầu thực vật khác như dầu cọ tăng lên, từ đó hỗ trợ giá mặt hàng này.
Việt Nam đón nhận mùa vụ cà phê mới được mùa, được giá
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đảo chiều tăng mạnh 800 đồng/kg sau giai đoạn giằng co với xu hướng giảm. Theo đó, giá cà phê trong nước được thu mua trong khoảng từ 41.000 – 41.600 đồng/kg. Thời điểm này, Việt Nam đã bước vào mùa vụ thu hoạch mới. Hiện thời tiết đang tương đối thuận lợi ở các khu vực trồng cà phê trọng điểm giúp triển vọng nguồn cung rất tích cực. Cùng với đó, chất lượng sản phẩm đầu ra đang ngày càng được nâng cao từ đó thúc đẩy giá thu mua và xuất khẩu. Nhiều khả năng, nước ta sẽ đón nhận vụ mùa mới được mùa, được giá.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm