Thị trường hàng hóa
Giá dầu thế giới sáng ngày 26/11 (theo giờ Việt Nam) cụ thể là: Dầu thô WTI của Mỹ tăng 2,16 USD, lên mức 79,46 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 2,19 USD, lên 86,5 USD/thùng.
Giá dầu tăng do tính thanh khoản của thị trường thấp, khép lại một tuần được đánh dấu bằng những lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và mặc cả về mức giá trần của phương Tây đối với dầu của Nga.
Tuy nhiên, cả hai hợp đồng vẫn đang hướng đến tuần giảm thứ ba liên tiếp sau khi chạm mức thấp nhất trong 10 tháng trong tuần này.
Theo Reuters, Trung Quốc và Ấn Độ, hai đối tác lớn của Nga trong năm nay và cũng là quốc gia nhập khẩu đầu thô lớn nhất và lớn thứ ba thế giới cũng đang tỏ ra thận trọng hơn trong việc nhập khẩu dầu thô của Nga, bởi các hạn chế liên quan tới vận chuyển của Châu Âu sẽ gây ra khá nhiều khó khăn cho các đối tác Châu Á trong việc tiếp cận nguồn hàng.
Về phía Nga, thay vì giữ vững quan điểm không bán cho bất kỳ quốc gia nào áp dụng mức trần giá và có thể sẽ cắt giảm sản lượng, quốc gia này đã tỏ ra mềm mỏng hơn khi ám chỉ rằng lập trường này có thể thay đổi.
Một trong những yếu tố hạn chế sức mua trên thị trường dầu hôm qua là việc số ca nhiễm Covid-19 theo ngày tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch nổ ra. Chính quyền địa phương tại nhiều tỉnh như Trịnh Châu, một lần nữa thắt chặt các biện pháp kiểm soát để dập tắt các đợt bùng phát dịch, làm tăng thêm mối lo ngại của các nhà đầu tư đối với nguy cơ suy thoái kinh tế và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Thị trường kim loại ghi nhận các biến động tương đối giằng co. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,76% lên mức 21,53 USD/ounce trong khi giá bạch kim gần như không thay đổi so với phiên trước đó, chỉ giảm nhẹ 0,01% xuống 996,7 USD/ounce.
Đồng Dollar Mỹ tiếp tục suy yếu và đang tiến sát mức thấp nhất trong vòng 3 tháng đã hỗ trợ cho nhóm kim loại quý như bạc và bạch kim mở cửa phiên với mức giá cao hơn. Hiện tại, các nhà đầu tư cho rằng lãi suất của Mỹ đạt đỉnh chỉ trên 5% vào tháng 5 năm sau, với mức tăng chậm lại trong các kỳ họp sắp tới. Điều này có thể sẽ giúp thị trường có thêm thời gian thích ứng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể xem xét các dữ liệu và điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ thắt chặt. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group đang cho thấy khoảng 75% khả năng Fed hiện chuyển sang mức tăng 50 điểm cơ bản thay vì 75 điểm cơ bản trong 4 kỳ họp vừa qua.
Tuy nhiên, cả bạc và bạch kim đều gặp áp lực và diễn biến giằng co trong phiên do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi đánh giá về nguy cơ suy thoái có thể ảnh hưởng tới nhu cầu kim loại quý trong công nghiệp. Fed cũng đã thông báo khả năng suy thoái của Mỹ trong năm tới đã tăng lên gần 50%, mức cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3. Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã tăng lãi suất cơ bản thêm 3/4 điểm phần trăm vào hôm qua, lên mức 2.5%, đồng thời báo hiệu các đợt tăng lãi suất tiếp theo vào năm tới để chống lạm phát. Nguy cơ suy thoái tại khu vực châu Âu ngày càng gia tăng tạo áp lực tới nhu cầu tiêu thụ kim loại quý, đặc biệt là trong ngành công nghiệp xanh.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX kết thúc phiên với mức tăng 0,33% lên mức 3,63 USD/pound. Quặng sắt cũng ghi nhận lực mua tích cực, chốt phiên với mức giá 95,71 USD/tấn sau khi tăng 0,38%. Bất chấp yếu tố dịch bệnh tiêu cực tại Trung Quốc khi số ca nhiễm đã lên tới gần 30.000 người, mức cao nhất trong thời kỳ đại dịch có thể làm trì trệ các hoạt động kinh tế, giá phần lớn kim loại cơ bản đều tăng nhẹ trước kỳ vọng Chính phủ sẽ có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo Brazil sẽ xuất khẩu khoảng 40-50 triệu tấn ngô trong năm 2023. Hơn nữa, nước này có thể xuất khẩu tới 5 triệu tấn ngô sang thị trường Trung Quốc nhờ các hiệp định thương mại được ký kết trong năm nay, qua đó giúp Brazil trở thành nhà cung cấp ngô quan trọng cho Trung Quốc. Ngô Mỹ dự kiến sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt tại thị trường Trung Quốc và điều này đã gây áp lực lên giá.
Giá lúa mì cũng hồi phục trong phiên hôm qua và đã chấm dứt chuỗi 5 phiên suy yếu liên tiếp. Tuy nhiên, động lực tăng của giá chủ yếu là nhờ lực mua kỹ thuật, trong khi việc lúa mì Mỹ hiện đang kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế đã gây sức ép đáng kể lên giá. Vì vậy, giá lúa mì chỉ ghi nhận mức tăng tương đối nhỏ, chỉ 0,25%.
Theo một số thương nhân châu Âu, xuất khẩu lúa mì của EU đã tăng vọt trong tuần này nhờ nhu cầu từ Trung Quốc có sự đột biến trong giai đoạn cuối năm. Cụ thể, các thương nhân trích dẫn dữ liệu từ các thỏa thuận cho thấy Trung Quốc đã mua tới 400.000-500.000 tấn lúa mì của Pháp trong tuần vừa rồi. Đáng chú ý, một số nhà máy xay xát tại Mỹ cũng đang chuyển hướng sang thị trường châu Âu, với một lô hàng 100,000 tấn lúa mì có nguồn gốc từ Đức hoặc Ba Lan đã được ký kết. Giá lúa mì tại Mỹ đang ở mức cao do sản lượng năm nay bị cắt giảm đã hạn chế nhu cầu mua hàng của các nhà máy. Đây là yếu tố gây sức ép lên giá lúa mì trong phiên hôm qua.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm