Thị trường hàng hóa
Rất nhiều quốc gia đã phải hối hả vào cuộc tìm giải pháp đối phó với dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng này.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra thống kê về dịch bệnh mới này. Theo đó, tính đến nay, toàn cầu có hơn 260.000 ca mắc đậu mùa khỉ, hơn 80 quốc gia đã phát hiện có dịch. Số ca mắc đậu mùa khỉ đang tăng theo con số vài nghìn ca mỗi ngày.
Đặc biệt, Mỹ đang là “điểm nóng” về bệnh đậu mùa khỉ với trên 6.600 ca, với khoảng 25% trong số này được phát hiện ở bang New York. Chính phủ Mỹ ngày 4/8 tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Một số thành phố và bang - bao gồm thành phố New York và San Francisco, cũng như 2 bang California và Illinois – cũng đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp.
Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong một thông báo được đưa ra một ngày sau đó cho biết, số ca bệnh trên toàn cầu tăng khoảng 19% chỉ trong vòng một tuần và trên thực tế, con số lây nhiễm có thể cao hơn nhiều do một số nước hạn chế về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ.
Ngày 8/8, giới chức y tế Ecuador thông báo quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì bệnh đậu mùa khỉ. Viện Robert Koch (RKI) về các bệnh truyền nhiễm ngày 9/8 cho biết Đức đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở trẻ em và đến nay, sau khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên hồi tháng 5, Đức đã ghi nhận tổng cộng 2.982 trường hợp.
Giới chức y tế Thái Lan ngày 5/8 xác nhận trường hợp phụ nữ đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này và là ca bệnh thứ 4 được ghi nhận kể từ tháng 7. Trước đó, ngày 24/7, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các cơ quan y tế công cộng để thảo luận về các biện pháp đối phó với bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện không có thuốc kháng virus nào có hiệu quả cho bệnh nhân đậu mùa khỉ, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi và điều trị tổn thương. Tổ chức Y tế thế giới cũng không khuyến cáo việc tiêm chủng đại trà cho người dân đối với bệnh này, tuy nhiên tiêm vaccine vẫn là giải pháp tối ưu nhất để đối phó với dịch bệnh này tới thời điểm hiện nay.
Sau tuyên bố của WHO, ngày 25/7, Công ty Công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch thông báo Ủy ban châu Âu đã cấp phép cho vaccine Imvanex của mình. Đây cũng loại vaccine duy nhất được cấp phép để sử dụng trong phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ và Canada.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cấp phát ra hơn 1 triệu liều vaccine Bavaria Nordic mà họ dự trữ. Tại Đức, ngày 21/7, Ủy ban Tiêm chủng Thường trực (STIKO) khuyến nghị nước này nên sử dụng tất cả nguồn vaccine có sẵn để tiêm mũi đầu tiên cho những người có nguy cơ cao và mũi thứ hai sẽ chỉ tiến hành khi có đủ số lượng. STIKO khuyến nghị những người trên 18 tuổi đã tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc có nguy cơ cao nhiễm đậu mùa khỉ nên tiêm một mũi vaccine của Bavarian Nordic.
Tại Bồ Đào Nha, ngày 21/7, Cơ quan Y tế Quốc gia (DGS) thông báo nước này đã bắt đầu tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những người từng tiếp xúc với người mắc căn bệnh này. Pháp cũng đã dự trữ vaccine do công ty Bavarian Nordic của Đan Mạch sản xuất để phòng dịch đậu mùa bùng phát. Ngày 8/8, Italy đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa khỉ khi số ca mắc căn bệnh này gia tăng.
Trước đó, Chính phủ Italy cũng đã thông báo rằng họ bắt đầu cấp một số lượng hạn chế 4.200 liều vaccine đậu mùa khỉ cho các nhân viên y tế và thành viên cộng đồng LGBTQ có nguy cơ cao.
Trước mắt, WHO đang khuyến nghị tiêm vaccine cho các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm những nhân viên y tế, những nam giới có quan hệ đồng tính với nhiều bạn tình. WHO cũng cảnh báo phải mất vài tuần sau khi tiêm phòng mũi vaccine thứ 2 để vaccine phát huy đầy đủ hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, mọi người cần tiếp tục phòng tránh cho tới thời điểm vaccine thực sự phát huy hiệu quả.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm