Thị trường hàng hóa
Thanh Hoá nằm ở vị trí trung chuyển giữa các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam nước ta. Trong lịch sử, nơi đây từng là căn cứ địa vững chắc chống ngoại xâm, là kho nhân tài vật lực phục vụ tiền tuyến.
Thanh Hóa là tỉnh đông dân thứ 3 của Việt Nam, sau thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; lực lượng lao động khoảng 2,26 triệu người trong độ tuổi vàng, trình độ văn hóa, chuyên môn tương đối cao phù hợp nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Thanh Hoá nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Với 102 km đường bờ biển ở đây có thể phát triển hoạt động du lịch, khai thác cảng biển; có đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt xuyên Việt và sân bay Thọ Xuân. Thêm vào đó, Thanh Hóa có quy mô diện tích lớn với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Với lợi thế 102 km đường bờ biển và bãi cát mịn thoải dài, Thanh Hóa được các chủ đầu tư ưu ái “chọn mặt gửi vàng” để xây dựng nhiều dự án lớn, giúp nâng cao vị thế của tỉnh, đồng thời mang đến sản phẩm chất lượng.
Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Với sự định hướng này, Thanh Hóa đã đặt du lịch ở vị trí trung tâm, từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển sẽ là thời cơ để Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, nhận thức sâu sắc được vai trò của phát triển đô thị trong xu thế phát triển hiện nay, ngay từ khi Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị mới được ban hành, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Kế hoạch số 57-KH/TU để quán triệt thực hiện.
Ngoài các mục tiêu chung, Tỉnh ủy Thanh Hóa còn đề ra nhiều mục tiêu tổng quát như: Phát triển đô thị có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Thanh theo đúng quy hoạch. Nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đề ra trên cơ sở phân tích hiện trạng và điều kiện phát triển đô thị hiện tại. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 40% trở lên, đến năm 2030 đạt trên 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích tự nhiên đến năm 2030 dự kiến đạt từ 1,9 đến 2,3%.
Sự dẫn đường của các nghị quyết, chính sách đặc thù đã mang đến cho Thanh Hóa nhiều cơ hội để bứt phá, tuy nhiên, để hướng tới phát triển đô thị bền vững, gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là đô thị ven biển, tỉnh này sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức.
Theo đó, quy hoạch, thực thi quy hoạch, thu hút và lựa chọn nhà đầu tư, sử dụng nguồn lực đất đai… sao cho hiệu quả là những bài toán đang đặt ra cho Thanh Hóa để phát huy thế mạnh của các đô thị lớn đã phát triển một cách tràn lan, ồ ạt, thiếu bền vững.
Bên cạnh đó, yếu tố về hạ tầng giao thông luôn là điều kiện tiên quyết để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển đô thị biển tại Thanh Hoá nói riêng. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối từ các địa phương đến với Thanh Hoá rất thuận tiện, từ đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không.
Đường ven biển, đường cao tốc Thanh Hoá - Hà Nội, Ninh Bình - Thanh Hoá, cao tốc Nghi Sơn - Sao Vàng và hàng loạt các tuyến đường giao thông trong tỉnh lộ nối các huyện, xã... đã tạo thuận lợi cho kết nối vùng, thuận tiện cho giao thương phát triển cả về kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, Thanh Hoá có vị trí gần với Thủ đô Hà Nội - nơi có nhu cầu cung cấp dịch vụ rất lớn.
Theo đó, năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước sau các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang, Hưng Yên và Cần Thơ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.
Thu ngân sách Nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay; tổng thu ngân sách ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ. Thanh Hoá đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 07 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD. Đến ngày 30/11/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công tại Thanh Hoá năm 2022 đạt 7.599 tỷ đồng, bằng 65,4% kế hoạch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Thi cho biết, với phương châm: “Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Thanh Hóa”, tỉnh Thanh Hóa cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, là đối tác tin cậy của doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội, quyết định đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài, có hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hóa được ví như một Việt Nam thu nhỏ với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái: Đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển, cùng nguồn tài nguyên phong phú về đất, rừng, biển. Thanh Hoá cũng là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, được biết đến như là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”.
Trong những năm vừa qua, tỉnh Thanh Hoá có những chính sách thu hút đầu tư rất đúng đắn, hấp dẫn. Khi đầu tư vào Thanh Hóa, nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định của pháp luật Việt Nam.
Đặc biệt, chính quyền tỉnh Thanh Hoá luôn cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công khai quy hoạch, hoàn thiện, đầu tư vào kết cấu hạ tầng; đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp và đặc biệt phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng ở ven biển. Minh chứng rõ ràng khi thời gian qua, Thanh Hoá đã đón hàng loạt các dự án bất động sản của các tập đoàn lớn như: Vingroup, Sun Group, Flamingo, T&T, TNR,...
Điều này tạo ra những cú hích rất lớn thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác tham gia vào đầu tư, không chỉ các nhà đầu tư trong nước quan tâm mà tỉnh Thanh Hoá còn nhận được sự chú trọng của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay, Thanh Hoá là địa phương đứng thứ 8 trên cả nước về thu hút dự án đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt là với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, khu kinh tế Nghi Sơn đã được xây dựng với nhiều hạng mục công trình lớn như: cảng nước sâu, nhà máy xi măng, sân bay... mở ra nhiều hướng phát triển mới cho dải ven biển nói riêng cũng như cho cả tỉnh nói chung.
Để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm