Thị trường hàng hóa
Theo dự thảo Thông tư, doanh nghiệp được hỗ trợ 100% chi phí của một khóa đào tạo về kinh doanh bền vững; miễn học phí cho học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia khóa đào tạo về kinh doanh bền vững; hỗ trợ 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu trong nước cho học viên của doanh nghiệp về xây dựng, phát triển sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm, phát triển thương mại điện tử, gọi vốn đầu tư, phát triển thị trường… nhưng không quá 5 triệu đồng/học viên/năm và không quá 3 học viên/doanh nghiệp/năm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp được hỗ trợ 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/học viên/năm và không quá 2 học viên/doanh nghiệp/năm; hỗ trợ 50% chi phí tổ chức khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên sâu tại doanh nghiệp nhưng không quá 50 triệu đồng/khóa/năm/ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
Đối với chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp được hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/ năm/doanh nghiệp.
Trước đó, vào đầu tháng 2/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030.
Chương trình phấn đấu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, tư vấn, quản lý về kinh doanh bền vững.
Đặc biệt, chương trình hỗ trợ phát triển tối thiếu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; qua đó hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 - 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm…
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025.
Đối tượng là các doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững (doanh nghiệp kinh doanh bền vững).
Các tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững: Viện nghiên cứu, trường đại học, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân thực hiện hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
Các Bộ, cơ quan trung ương; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) và các đơn vị trực thuộc; các tổ chức hiệp hội được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động của Chương trình.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm