Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, đến thời điểm ngày 31/8, 17 bộ ngành cơ quan trung ương giải ngân được hơn 44,12% số vốn giải ngân được giao (hơn 43.000 tỷ đồng), tương ứng số giải ngân thực tế chỉ 18.972 tỷ đồng.
Như vậy, bình quân, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ chỉ giải ngân được hơn 1.100 tỷ đồng. Nhiệm vụ còn lại của 4 tháng cuối năm là phải giải ngân hơn 24.000 tỷ đồng, tương đương mỗi bộ, ngành cần giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng.
Bình quân mỗi tháng của 8 tháng đầu năm, mỗi bộ ngành chỉ giải ngân được hơn 137 tỷ đồng/tháng, trong khi đó, nhiệm vụ còn lại 4 tháng cuối năm, thách thức hơn rất nhiều, đòi hỏi mỗi bộ phải giải ngân hơn 350 tỷ đồng/tháng, gấp 2,5 lần số giải ngân thực tế đạt được của một bộ trong 8 tháng qua.
Trong số 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác, có 4 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước, gồm Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (58,49%), Bộ Quốc phòng (50%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (48,2%) và Hội Nông dân Việt Nam (48,16%). Một số bộ, ngành còn lại có mức giải ngân dưới 10% hoặc chưa giải ngân.
Đến thời điểm này, chỉ còn hơn ba tháng nữa là kết thúc năm nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình cả nước dù đã khả quan hơn nhưng so với kế hoạch do Chính phủ đề ra vẫn thấp.
Do đó, quyết liệt thúc đẩy giải ngân được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các bộ, ngành, địa phương, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% đã đề ra.
Để tăng tỷ lệ giải ngân từ nay đến cuối năm, ông Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp so với mức trung bình cả nước cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định rõ nguyên nhân, rút ra bài học và có giải pháp cụ thể, quyết liệt phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân từ 95% kế hoạch vốn năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) nhận định, mỗi địa phương có đặc thù riêng nhưng mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công lại tương đồng. Trước hết, đây là yêu cầu rất quan trọng, nhất là xét trong bối cảnh cần tăng tốc độ tăng trưởng.
Muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, chủ động chuẩn bị đầu tư, đánh giá kỹ càng, lựa chọn đúng nhà thầu đủ năng lực... Và vấn đề quan trọng nhất là quyết tâm thực hiện của các cấp, ngành, cá nhân được giao nhiệm vụ.
Yêu cầu đặt ra là phát hiện những bất cập tại các quy định để tập trung thay đổi, hoàn thiện cơ chế; từ đó, phát huy tối đa năng lực và cộng hưởng khả năng đóng góp của các bên liên quan, hướng tới kết quả cao nhất. Điều quan trọng là chủ động nghiên cứu những yếu tố tác động chủ quan và khách quan, vận dụng hết các nguồn lực, sức sáng tạo trong điều hành, quản lý để tạo điều kiện tối đa thúc đẩy tiến độ công trình. Các cấp thẩm quyền cũng nên mạnh dạn tìm, áp dụng những cách làm hay bên cạnh việc tổng kết kinh nghiệm để có sự đột phá thực chất trong quản lý, thi công và giải ngân.
Còn chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự phối kết hợp hiệu quả giữa các ban, ngành trong việc xem xét, rà soát, triển khai các dự án. Từ nay đến cuối năm, khối lượng công việc còn rất lớn. Vì vậy, tổ công tác của các địa phương cần thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát; phối hợp giữa các ban, ngành của thành phố phải chặt chẽ, hiệu quả hơn, từ đó bảo đảm đúng tiến độ dự án đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 và những năm tới.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường nêu giải pháp, để thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án và kế hoạch giải ngân, trong các tháng còn lại của năm 2023, nên bám sát các chỉ đạo của thành phố về việc thực hiện kế hoạch đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, quyết toán các dự án.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ là “động lực” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực kinh tế trong những năm tới. Đặc biệt, thành phố cần khẩn trương phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, tập trung đầu tư, sớm hoàn thành những công trình trọng điểm nhằm mang lại tác động toàn diện cả về kinh tế và xã hội.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm