Thị trường hàng hóa
Ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất, nhập môn tìm hiểu về ngành nghề, Vương Tiến Đạt đã gây ấn tượng mạnh mẽ với giảng viên khi thường xuyên chủ động đề xuất những ý tưởng táo bạo.
Cậu học trò trăn trở với ý tưởng muốn làm thiết bị can thiệp vào giấc ngủ để hiệu suất làm việc của người trẻ cao hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.
Nhóm nghiên cứu thiết bị hỗ trợ giấc ngủ hiện có 5 thành viên, trong đó 3 thành viên là sinh viên Bách khoa Hà Nội học tại Trường Điện - Điện tử và Viện Toán ứng dụng và Tin học, 2 thành viên khác học về kinh tế và y khoa trường Đại học Thăng Long và Đại học Y Hà Nội. Các thành viên hỗ trợ, bổ sung nhau về các kiến thức kỹ thuật, CNTT, Marketting, y học…
Tiến Đạt cho biết, qua tìm hiểu nhóm thấy rằng, một người trưởng thành cần dành ra trung bình 7 - 9 tiếng một ngày cho giấc ngủ để duy trì một cơ thể và tinh thần khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện nay có tới 62% số người trưởng thành được hỏi cho biết họ cảm thấy trằn trọc, không thoải mái khi đi ngủ, 33% phải đối mặt với chứng mất ngủ kinh niên. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ là do tác động của các yếu tố môi trường trong phòng ngủ.
Đạt và các bạn đặt tên thiết bị là HieDream - Smart Sleep Assistant, áp dụng giải pháp IoT giúp kết nối các thiết bị có sẵn trong căn hộ, cung cấp một giải pháp tự động hóa toàn diện cải thiện chất lượng giấc ngủ; Đồng thời, cũng theo dõi tình trạng sức khỏe qua giám sát giấc ngủ cá nhân trên ứng dụng điện thoại.
Ý tưởng của HieDream xuất phát từ sự cảm thông và trân trọng dành cho người trẻ, khi họ cùng một lúc phải đảm nhận nhiều vai trò từ gia đình đến xã hội. Điều này vô hình trung đã tạo ra một cuộc khủng hoảng giấc ngủ toàn cầu, âm thầm tàn phá sức khỏe của con người. Đạt chia sẻ, trong nhóm có một vài người gặp vấn đề về giấc ngủ, thường xuyên đi ngủ rất muộn. Nhóm quyết định làm ra một sản phẩm mà người dùng đầu tiên chính là các thành viên của nhóm.
Chuyên ngành của Đạt là điều khiển tự động hóa, thiết bị này một phần nào đó là về lĩnh vực Internet vạn vật (Internet of Thing - IoT), phù hợp để tích hợp trong các hệ thống nhà thông minh. Thiết bị có chức năng đo và thu thập các thông số liên quan tới chất lượng giấc ngủ để có cơ sở cho việc đưa ra quyết định điều khiển các thông số trong môi trường. Từ đó, người dùng có giấc ngủ ngon.
Đạt kể lại: “Điều tôi nhớ nhất là những lần mang ý tưởng đi thi. Cứ sau mỗi lần thi, về hoàn thiện ý tưởng, bổ sung những phần còn khuyết thiếu, lần thi sau truyền tải tốt hơn, đưa được nhiều tài liệu để thuyết phục người nghe hơn. Các giám khảo tin ý tưởng của nhóm khả thi, sáng tạo”.
Sản phẩm thu thập chỉ số nhịp tim, chuyển động cơ thể trong khi ngủ nhằm dự đoán giai đoạn ngủ, qua đó tính toán chất lượng giấc ngủ. Qua việc dự đoán các giai đoạn ngủ, thiết bị sẽ đánh thức người dùng vào thời điểm tỉnh táo nhất. Sản phẩm thiết lập các điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh tối ưu theo tình trạng giấc ngủ người dùng. Từ đó giúp người dùng ngủ dễ hơn, sâu hơn, không gặp phải các vấn đề cảm cúm, sốt sau khi thức giấc.
HieDream được cấu tạo bởi 3 thành phần chính: Cảm biến giấc ngủ như một chiếc đồng hồ đeo tay: Đo đạc các chỉ số về nhịp tim, thân nhiệt và cảm biến chuyển động xuyên suốt quá trình ngủ…
Thiết bị điều khiển trung tâm IoT: Gắn đèn, loa và các cảm biến môi trường, đi kèm với bộ điều khiển quạt, điều hòa. Thiết bị sẽ tự động điều khiển điều kiện môi trường theo tình trạng giấc ngủ, cải thiện chất lượng giấc ngủ người sử dụng; Mobile App quản lý thông tin giấc ngủ, giúp cá nhân hóa và phân tích chất lượng giấc ngủ sau khi sử dụng sản phẩm.
Thiết bị hỗ trợ giấc ngủ thông minh cũng theo Vương Tiến Đạt vào đồ án tốt nghiệp, vào hồ sơ xin việc của cậu ở FPT, gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng. Đang học năm cuối Bách khoa Hà Nội nhưng Đạt đã là một nhân viên lập trình của FPT, đi làm cả ngày và được công ty tạo điều kiện thời gian để tiếp tục hoàn thành khóa học.
Hiện nhóm của Vương Tiến Đạt đang có một sản phẩm hoàn thiện trong phòng thí nghiệm. Nhóm đang chuẩn bị cho bước tiếp theo, làm 5-10 thiết bị. Chặng đường còn dài vì Đạt và các bạn còn phải hoàn thiện cả phần cứng và phần mềm, web, app… Kiên định như cách đây 4 năm hình thành ý tưởng, Vương Tiến Đạt quyết tâm theo đuổi nghiên cứu đến khi ra sản phẩm để khảo sát người dùng, thương mại hóa.
Trước mắt, Đạt đặt mục tiêu tiếp tục học cao học tại Bách khoa Hà Nội cùng HieDream, viết bài báo khoa học quốc tế về nghiên cứu này. TS Lê Minh Thùy tại Phòng thí nghiệm RF3i, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, đây là sản phẩm công nghệ có nhiều tiềm năng ứng dụng và nhu cầu cao trong tương lai. Nhóm mong muốn trở thành một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe nhờ ứng dụng công nghệ lõi IoT, giúp giải quyết các vấn đề sức khỏe cá nhân, kiến tạo một cộng đồng khỏe.
Các Giải thưởng nhóm đạt được: Quán quân miền Bắc, Top 3 toàn quốc Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam VSIC 2020; Top 10 Startup Vietnam Frontier - Australia 2021; Top 20 Hack4Growth Global 2021; Top 35 Db-SNUbiz Global Startup Challenge 2022. |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm