Thị trường hàng hóa
Đến tham dự Tuần hàng Quảng bá, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm tại Trung tâm thương mại Trương Định Plaza, quận Hoàng Mai diễn ra từ ngày 29/6 - 03/7/2023, chị Lê Thùy Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã lựa chọn mua 2 trái sầu riêng của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Út Mơ (chuyên các đặc sản của các tỉnh miền Tây) với giá 100.000 đồng/kg để dùng.
Nếu trước đây, sầu riêng phổ biến tại các chợ miền Nam và chủ yếu để xuất khẩu, thì nay, người tiêu dùng khắp cả nước đều có thể dễ dàng mua và sử dụng. Vị ngọt, béo ngậy, hương vị sầu riêng quyến rũ khiến những khách hàng như chị Liên khó có thể cưỡng lại sau khi dạo quanh một vòng Tuần hàng.
Thói quen đi chợ tại Tuần hàng, Hội chợ theo chị Liên, đây là cách chị lựa chọn được các sản phẩm đặc trưng của các địa phương với chất lượng đảm bảo bởi chính các cơ quan quản lý.
Trong khi đó, với những doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia các Tuần hàng, Hội chợ là cách họ có thể quảng bá và lượng tiêu thụ được nhiều hơn so với việc giới thiệu và bán sản phẩm tại cửa hàng.
“Đặc sản miền Tây, nhất là trái sầu riêng được người tiêu dùng miền Bắc rất ưa chuộng. Sức tiêu thụ sầu riêng của TP. Hồ Chí Minh không bằng Hà Nội. Thường xuyên tham gia hội chợ, bình quân lượng bán sầu riêng mỗi hội chợ khoảng 1 tấn”, ông Bùi Thế Tình – đại diện Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Út Mơ chia sẻ.
Giới thiệu đặc sản miền Tây, sản phẩm được đơn vị lựa chọn là các sản phẩm hàng đầu, các nhà vườn thu hái có đầy đủ giấy tờ, giá có thể đắt hơn khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg, ông Bùi Thế Tình cho biết, giá sầu riêng năm nay đắt hơn so với những năm trước do các đơn vị xuất khẩu “ăn hàng” mạnh.
Đối diện gian hàng của anh Bùi Thế Tình, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hưng Yên như mật ong long nhãn, sữa ong chúa, các sản phẩm long nhãn, tinh bột nghệ,… của Công ty TNHH mật ong Danh Vị (Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên) cũng thu hút khá đông khách hàng mua sắm. Giá cả phải chăng, sản phẩm bảo đảm chất lượng và quan trọng nhất không mua phải hàng giả, hàng nhái là những yếu tố mà khách hàng lựa chọn, mua và sử dụng.
Ông Lê Quốc Tuấn – đại diện Công ty TNHH mật ong Danh Vị - cho biết, các sản phẩm của đơn vị đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao, đảm bảo chất lượng, có mã vùng, mã vạch. Công ty cũng thường xuyên tham gia Tuần hàng, Hội chợ, dung lượng thị trường Hà Nội rất tốt, nhất là đối với sản phẩm mật ong. Hiện, sản phẩm của đơn vị cũng vào được hệ thống siêu thị tại Hà Nội, ngoài ra, công ty cũng mở các 6 cửa hàng tại Hà Nội.
“Khách hàng có thể mua hàng tại Hội chợ, cửa hàng hoặc gọi điện trực tiếp tại số điện thoại được ghi trên bao bì sản phẩm, chúng tôi sẽ ship đến nơi cho khách” ông Lê Quốc Tuấn chia sẻ và cho hay: “Đi Tuần hàng, Hội chợ không chỉ để bán hàng mà còn kết nối nhiều hơn với khách hàng, đây cũng là cách để quảng bá nông sản, đặc sản của tỉnh Hưng Yên”.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, Tuần hàng Quảng bá, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm tại Trung tâm thương mại Trương Định Plaza, quận Hoàng Mai từ ngày 29/6 - 03/7/2023 với quy mô trên 60 gian hàng của trên 45 doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và 14 tỉnh/thành phố.
Sự kiện nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản mùa vụ như vải thiều Bắc Giang, Hải Dương; xoài, mận, bơ, mắc cọp Sơn La, nông sản đặc sản Cao Bằng, thủy hải sản Quảng Ninh… và các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP…
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, thực hiện hiệu quả kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ của Thành phố, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Việc tổ chức Tuần hàng có ý nghĩa thiết thực trong việc đồng hành của Sở Công Thương Hà Nội trong hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Thủ đô; từ đó người tiêu dùng Thủ đô nhận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý. Đồng thời, các hệ thống phân phối, cửa hàng có thêm thông tin sản phẩm các tỉnh, thành phố, từ đó kết nối đưa vào hệ thống phân phối của đơn vị.
Sầu riêng, mật ong, gạo ST25… có quanh năm, các đơn vị cũng thường xuyên tham gia các Tuần hàng, Hội chợ và cũng thường xuyên có một lượng khách hàng quen tìm đến mua hàng bởi đã được khẳng định về chất lượng.
Sau khi bán hàng tại Tuần hàng, Hội chợ, những tấm danh thiếp hay những món quà nhỏ như cái móc khóa trên đó có ghi các thông tin liên lạc của các doanh nghiệp, cửa hàng được gửi tặng khách hàng. Đây cũng là cách để khách hàng có thể đến cửa hàng tại Hà Nội hay có thể đặt mua online sau khi Tuần hàng hay Hội chợ kết thúc.
Điều mà các chủ gian hàng, doanh nghiệp, HTX mong muốn đó là công tác quảng bá được đẩy mạnh nhiều hơn nữa để có nhiều hơn khách hàng, đối tác biết đến các Tuần hàng, Hội chợ. Khi đó, hiệu quả của các kỳ xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa được nâng cao hơn nữa.
Ở chiều ngược lại, cùng với sự hỗ trợ của Sở Công Thương, các cấp chính quyền, các sở, ngành liên quan, thì các HTX, doanh nghiệp bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh sản xuất còn phải chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm