Thị trường hàng hóa
Theo Hiệp hội Du lịch sinh thái quốc tế, du lịch xanh được hiểu là du lịch có trách nhiệm với các khu tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì cuộc sống của người dân địa phương.
Loại hình du lịch xanh là dựa vào thiên nhiên, môi trường sống, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng, vật dụng tái tạo, phát huy các di sản văn hóa thiên nhiên, sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế những tác động xấu đến môi trường như xả thải, xả khói, tàn phá động thực vật.
Tại Việt Nam, nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Du lịch xanh là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Vì vậy trong những năm gần đây, các hoạt động du lịch mang quy mô quốc gia cũng đề cao yếu tố phát triển du lịch xanh bền vững, điển hình như Năm Du lịch quốc gia 2022 diễn ra tại Quảng Nam được lấy chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, tổ chức nhiều hoạt động hướng tới du lịch xanh bền vững. Năm Du lịch quốc gia 2023 do tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức tới đây mang chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe.
Nhiều năm qua, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch đã chú trọng đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái trong phát triển du lịch. Tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở lưu trú chủ trương không sử dụng túi ni lông, vật dụng nhựa.
Không ít địa phương đã có những phương thức du lịch gắn với bảo vệ môi trường, điển hình như: Huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đề nghị du khách không mang túi ni lông, đồ dùng bằng nhựa ra đảo, tổ chức tour du lịch nhặt rác; tỉnh Quảng Nam phát động chiến dịch không sử dụng túi ni lông.
Những đổi mới trong phát triển du lịch xanh được nhìn thấy rõ nét hơn ở những tỉnh miền núi như: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Mộc Châu (Sơn La). Nhiều bản du lịch cộng đồng được hình thành dựa trên phát huy bản sắc dân tộc và thiên nhiên.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, đầu tháng 1-2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ra mắt Chi hội Du lịch xanh Việt Nam, với sự đăng ký tham gia của 80 doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Được biết, thời gian tới, chi hội Du lịch xanh Việt Nam sẽ lập kế hoạch và triển khai các hoạt động du lịch theo hướng tăng trưởng xanh đến các hội viên; tập trung vào xây dựng sản phẩm du lịch xanh, thân thiện môi trường, gần gũi thiên nhiên; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng thêm sức hút của du lịch Việt Nam với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm