Thị trường hàng hóa
Quyết định số 714/QĐ-TTg ban hành danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử trong đó nêu 6 cơ sở dữ liệu bao gồm: CSDL quốc gia về dân cư (do Bộ Công an chủ trì); CSDL đất đai quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường); CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia thống kê tổng hợp về dân số (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); CSDL quốc gia về tài chính; CSDL quốc gia về bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).
Kể từ khi quyết định có hiệu lực, cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên đã được triển khai thu thập và ngày càng được phát triển hơn nữa phục vụ cho việc hoàn thiện xây dựng chính phủ điện tử. Đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư, CSDL đất đai quốc gia và CSDL quốc gia về bảo hiểm.
Từ ngày 1/7/2021, Bộ Công an đã đưa hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư vào vận hành. Tính đến tháng 9/2022, đã có 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp dựa trên sự đồng bộ và "làm sạch" dữ liệu. Ngoài ra còn có hơn 100 triệu thông tin dân cư được cập nhật lên hệ thống. Đồng thời, Bộ Công an cũng tiến hành cấp mã định danh cá nhân và kết nối thử nghiệm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thành công với các bộ, ngành, địa phương nhằm đóng góp xây dựng chính phủ điện tử. Việc quản lý dân cư thông qua phương thức điện tử không chỉ tạo ra sự đồng nhất, giúp tiết kiệm thời gian công sức mà còn đem đến những sự tiện lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Thêm vào đó, việc triển khai các bước nhằm bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú sau ngày 31/12/2022 theo quy định của Luật cư trú 2020 là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu về dân cư. Đặc biệt, các quận, huyện tại Thành phố Hà Nội tiến hành triển khai đồng loạt nhằm hoàn thành mục tiêu của bộ đề ra.
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Nhằm thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025 (Đề án 06), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công an trong việc xác thực thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu về dân cư qua số Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Căn cước công dân (CCCD) phục vụ cho việc đồng bộ thông tin sang Bảo Hiểm Xã Hội (BHXH). Tính đến tháng 9/2022, hệ thống BHXH đã xác thực hơn 50 triệu thông tin người tham gia.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cung cấp, chia sẻ trên 60 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH. Đã có 11.190 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) , tương đương với khoảng 88% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn quốc, sử dụng thông tin CCCD để tra cứu thẻ BHYT với 1.797.501 lượt tra cứu. Không những thế, BHXH Việt Nam đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Điển hình trong tháng 9, đã có hơn 119 lượt gia hạn thẻ bảo hiểm y tế trên cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, BHYT Việt Nam cũng kết hợp đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và kết hợp đăng ký khai tử - xoá đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí. Cũng trong tháng 9, BHXH Việt Nam đã giải quyết hơn 20.000 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp thông qua cổng dịch vụ công quốc gia.
BHXH Việt Nam vẫn đang tiếp tục mở rộng, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu. Nhất là trong việc phối hợp với Bộ Công an triển khai ứng dụng sinh trắc học trên CCCD gắn chip và trên cơ sở dữ liệu về dân cư nhằm hạn chế tối đa tình trạng trục lợi từ BHYT, BHXH và bảo hiểm thất nghiệp.
Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Nhằm nâng cao tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề ra một số giải pháp như Giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật hệ thống; giải pháp quản lý và chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu đất đai... Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu đất đai. Ngoài ra, Tổng cục quản lý đất đai đã hoàn thành 4 khối dữ liệu bao gồm: dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dữ liệu giá đất và dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai, và bàn giao cho Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường để kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Không những thế, Tổng cục cũng nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong giao dịch điện tử về đất đai, các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp,…
Để thúc đẩy việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên hơn nữa, giúp hoàn thiện việc xây dựng chính phủ điện tử cần có những giải pháp hữu hiệu.
Thứ nhất, các địa phương cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn trong việc mở rộng dữ liệu. Hiện nay, vẫn còn những nơi chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu do điều kiện khó khăn, do đó, cần sự hỗ trợ đắc lực về công nghệ thông tin để triển khai hoàn thành và đồng bộ dữ liệu. Đặc biệt là cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Thứ hai, người dân cần được nâng cao nhận thức, phổ biến về việc chia sẻ các thông tin cần thiết để những dữ liệu còn thiếu được cập nhật vào hệ thống và cần được khuyến khích hơn nữa trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Không chỉ có vậy, người dân cũng cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nhằm chia sẻ cập nhật dữ liệu và tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến, góp phần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử.
Thứ ba, người dân và doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào việc đóng góp ý kiến để cải thiện các ứng dụng sử dụng đến cơ sở dữ liệu ưu tiên nhằm nâng cao các giải pháp số. Những góp ý đến từ những người sử dụng ứng dụng hỗ trợ, dịch vụ công trực tuyến là một phần quan trọng , giúp cho Chính phủ điện tử ngày càng được phát triển.
Cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên vẫn đang được phát triển để nền tảng này ngày một vững chắc, hỗ trợ đắc lực cho việc hoàn thiện chính phủ điện tử. Hiện nay, điển hình là các hệ thống CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về bảo hiểm và CSDL đất đai quốc gia đang từng bước được mở rộng hơn nữa nhằm phục vụ cho việc xây dựng chính phủ điện tử. Tuy nhiên, để hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên phát huy được vai trò của mình, cần có giải pháp hiệu quả từ các địa phương trong việc hoàn thiện dữ liệu. Thêm vào đó, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp cũng là một phần không thể thiếu giúp phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, từ đó, trở thành bước đà để xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm