Thị trường hàng hóa
Tối ngày 2/8, chuyên cơ chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã hạ cánh xuống sân bay Đài Loan, bất chấp những cảnh báo gay gắt từ phía Trung Quốc. Ngay sau đó, Trung Quốc đã phản ứng với chuyến thăm tới Đài Loan của bà Pelosi bằng cách ngừng một số hoạt động thương mại với hòn đảo này.
Ngày 3/8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo quyết định tạm dừng nhập khẩu các mặt hàng nông sản, bao gồm hoa quả và cá từ Đài Loan. Theo đó, việc nhập khẩu bưởi, cam, chanh cùng các loại trái cây có múi khác cũng như các sản phẩm cá thu đông lạnh từ Đài Loan sang Trung Quốc sẽ bị đình chỉ cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Nguyên nhân Trung Quốc đưa ra là đã nhiều lần phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu quá mức trên số trái cây từ Đài Loan kể từ năm ngoái, và phát hiện virus SARS-CoV-2 trên một số gói cá đông lạnh hồi tháng 6. Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc ra lệnh cấm xuất khẩu cát tự nhiên sang Đài Loan dựa trên các quy định pháp luật liên quan, nhưng không cung cấp thêm thông tin.
Cát tự nhiên thường được dùng làm vật liệu xây dựng, như là sản xuất bê tông hay nhựa đường. Đáng nói, đây còn là đòn đánh mạnh vào ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan do cát nhập khẩu từ Trung Quốc là một nguyên liệu quan trọng để chế tạo sản phẩm công nghệ cao này.
Trước đó, Trung Quốc từng dừng bán cát tự nhiên sang Đài Loan vào tháng 3/2007 do lo ngại các vấn đề về môi trường và gỡ bỏ lệnh cấm sau một năm. Thời điểm đó, Đài Loan đã phải chật vật nhập khẩu vật liệu từ Philippines và sử dụng cát sông địa phương để bù đắp lượng thiếu hụt.
Năm 2020, Đài Loan nhập khẩu 5,67 triệu tấn cát và sỏi, trong đó có tới 8% là cát tự nhiên. Hơn 90% cát và sỏi nhập khẩu của Đài Loan đến từ Trung Quốc, do chi phí vận chuyển từ các nơi khác như Việt Nam đắt hơn gấp nhiều lần.
Theo giới chuyên gia, Bắc Kinh thường nhắm đến ngành nông sản của Đài Loan khi nảy sinh rắc rối chính trị. Mới đây, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin nước này tạm dừng nhập khẩu thực phẩm từ hơn 100 nhà cung cấp Đài Loan. Năm ngoái, Trung Quốc khiến Đài Loan bất ngờ ngừng nhập dứa từ hòn đảo này. Sau đó, đến tháng 9, Bắc Kinh tiếp tục dừng nhập khẩu hai loại táo từ Đài Loan. Tuy trái cây ở Đài Loan chủ yếu được tiêu thụ tại địa phương, nhưng số được xuất khẩu thì phần lớn được bán sang Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc là thị trường xuất - nhập khẩu lớn nhất của Đài Loan, với kim ngạch thương mại song phương tăng 26% trong 2021, đạt 328,3 tỷ USD. Xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc cao hơn nhập khẩu tới 172 tỷ USD.
Mặc dù Bắc Kinh có thể tận dụng tình thế này để đáp trả với Đài Loan, nhưng mặt khác Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nguồn cung chất bán dẫn từ Đài Loan. Ông Mark Liu, Chủ tịch công ty vốn hóa lớn nhất châu Á Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), cảnh báo nếu có rủi ro, nhà máy sản xuất chip hiện đại nhất thế giới sẽ mất khả năng hoạt động vì nó phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhà máy này là cơ sở sản xuất cực kỳ phức tạp, phụ thuộc vào kết nối thời gian thực với thế giới bên ngoài, với châu Âu, Nhật Bản và Mỹ, để có được vật liệu cho đến hóa chất, phụ tùng thay thế, phần mềm kỹ thuật...TSMC sản xuất bộ vi xử lý cho các công ty Mỹ bao gồm Apple, Qualcomm và chiếm hơn 50% thị trường đúc bán dẫn toàn cầu.
Theo ông Even Pay, nhà phân tích tại công ty tư vấn Trivium China ở Bắc Kinh, các động thái sau chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ tới Đài Loan có thể sẽ gây gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa trong khu vực cho đến ít nhất là hết cuối tuần này, đặc biệt là với các cảng ở Đài Loan và Phúc Kiến. Tuy nhiên, bất kỳ tàu chở hàng nào thường đi qua khu vực quanh Đài Loan cũng có thể bị ảnh hưởng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm