Thị trường hàng hóa
Lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi giống cá này.
Cá tầm là loại cá nước ngọt, chủ yếu được nuôi ở nơi có khí hậu mát mẻ, nguồn nước có nhiệt độ thấp. Anh Mạ là người tiên phong nuôi thành công giống cá này ở huyện miền núi Tiên Yên (Quảng Ninh).
Con đường độc đạo quanh co hơn 10km một bên là núi, một bên là vực suối dẫn từ trung tâm huyện Tiên Yên vào đến ao nuôi cá của gia đình anh Mạ ở núi rừng Khe San, thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ. Nơi đây là địa phương hẻo lánh, dân cư thưa thớt, xung quanh là núi rừng.
Anh Mạ cho biết, ở miền Bắc, Sa Pa (Lào Cai) là vùng nuôi cá tầm thành công nhất. Tại Quảng Ninh mới có huyện miền núi Bình Liêu nuôi được nên anh muốn đi tiên phong nuôi loài cá này ở Tiên Yên.
Theo anh Mạ, cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 20 - 25 độ C và có khả năng chịu đựng nhiệt độ tối đa là 28 độ C. Trong khi đó, Khe San là vùng đất có điều kiện thời tiết khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của loài cá đặc biệt này. Đây là khu vực giáp ranh rừng tự nhiên, nước đầu nguồn dồi dào, khá lạnh, sạch phù hợp cho nuôi giống cá này.
“Khu vực đầu nguồn thác Khe San, nơi còn nhiều vạt rừng nguyên sinh, có nguồn nước trong sạch, nhiệt độ cao nhất chỉ đạt đến 26 độ C, hoàn toàn phù hợp cho con cá tầm phát triển”, anh Mạ nói.
Giữa năm 2021, hệ thống ao nuôi của gia đình anh đã được đầu tư hoàn thiện với số vốn hàng trăm triệu đồng. Sáu ao nước lớn hình thành theo mô hình bậc thang, mỗi ao rộng hàng trăm mét vuông, sâu hơn một mét. Trong đó, 5 ao được phủ bạt lót đáy nuôi cá, một ao để điều tiết nước.
Khoảng 6.700 con cá giống được thả. Toàn bộ cá giống được anh mua tại Sa Pa. Khi anh đón những con giống đầu tiên, cá chỉ dài chừng 10 - 15cm, to bằng ngón tay cái với giá mua thời điểm đó là 25.000 đồng/con. Tưởng mọi việc đều xuôi chèo, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, cá tầm chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục triệu đồng, khiến anh lo lắng, mất ăn mất ngủ.
Anh Mạ sau đó lặn lội đi lên Bình Liêu học hỏi kinh nghiệm và tìm ra nguyên nhân cá chết là do cách xử lý nguồn nước. Thay vì rửa, tháo nước thường xuyên một cách thủ công, anh Mạ học được kỹ thuật lấy nước, lọc nước bằng cách bố trí các vòi nước sạch, các vòi thoát nước thải sát đáy. Các vòi này phải chảy liên tục để vệ sinh ao nuôi, vừa để nguồn nước vào ra luôn mới, sạch, giàu oxy.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ thực tế, đến nay mô hình nuôi cá tầm của anh Mạ tại Khe San bước đầu đã thành công. Nhờ nguồn nước sạch, lạnh và thường xuyên được luân chuyển, đàn cá tầm của anh Mạ sinh trưởng tốt, lớn rất nhanh, có con đã đạt 2 đến 3kg sau hơn 1 năm nuôi.
Anh Mạ cho biết, mỗi khi trời mưa hay nắng to đều là nguy cơ lớn với cá. Mưa khiến nước suối dâng cao, đục cần phải lựa chọn nguồn nước vào hoặc đóng nguồn cấp để bảo đảm độ sạch.
Nắng to nhiệt độ ngoài trời tăng mạnh, người nuôi cần thay nước liên tục, bảo đảm lấy được nguồn nước đầu nguồn mát, sạch, giảm nhiệt độ ao nuôi cho cá. Thế nên mỗi lần mưa gió hay nắng nóng giữa hè là lúc phải chú ý.
Chị Nịnh Thị Nông (vợ anh Mạ) cho biết, cá tầm được nuôi gối vụ. Mỗi ngày, đàn cá tầm được cho ăn một lần, mỗi lần ăn hết hơn một bao cám, chi phí hơn 1 triệu đồng.
“Mỗi ao nuôi được khoảng 2.000 con cá tầm lớn nhỏ, nuôi được một năm thì lứa cá đầu tiên đã được xuất bán. Trung bình, khi thu hoạch, mỗi con cá tầm đạt từ 2 - 3kg, với giá bán 210.000 đồng/kg. 3 tấn cá lứa đầu tiên giúp nhà tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng”, chị Nông nói.
Hiện, có nhiều thương lái đặt hàng trước để mua cá tầm, tuy nhiên gia đình anh Mạ chưa bán vì đợi đến mùa đông, khi cá đạt chất lượng cao nhất mới thu hoạch. Theo nhẩm tính, khoảng 4 tấn cá sẽ được bán ra trong vụ tới.
Thời gian này, anh Mạ nhập thêm 4.000 con cá tầm giống về nuôi gối vụ. Giá cá giống là gần 30.000 đồng/kg.
Để tìm đầu ra bền vững cho cá tầm, anh Mạ đã mạnh dạn kết hợp nuôi cá tầm với phát triển du lịch thác Khe San. Hiện, anh là chủ nhà hàng lớn ở xóm Khe San đón hàng chục khách dịp cuối tuần. Đây cũng là nơi tiêu thụ, chế biến nhiều món ngon từ cá tầm cho du khách.
“Tôi luôn ấp ủ làm du lịch dựa trên thế mạnh cảnh đẹp, sự hoang sơ của thác Khe San. Vì thế, ngoài việc cùng với xã làm con đường xuống thác, chúng tôi cũng dựng các chòi tre cho khách ngắm cảnh, nghỉ ngơi”, anh Mạ nói.
Theo anh Mạ, anh cũng đã có dự định làm khu nuôi cá tầm bên khu vực hạ nguồn để du khách có thể tham quan, trải nghiệm quy trình nuôi cá tầm sạch và bán cá cho du khách mua về làm quà hoặc chế biến thưởng thức tại chỗ.
Ông Trần Văn Phùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Dụ, cho biết, anh Mạ không những là người tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế địa phương, mà còn giúp nhiều hộ dân khác thoát nghèo nhờ mô hình nuôi cá tầm. Những hộ dân lân cận cũng đến nhà anh Mạ học hỏi kinh nghiệm để nuôi cá tầm. Sắp tới, mô hình này sẽ được nhân rộng và nhận được sự hỗ trợ của địa phương.
Ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết, từ khi mô hình nuôi cá tầm được phát triển tại địa phương, phía chính quyền đã hỗ trợ kinh phí cho gia đình anh Mạ theo đề án vốn sự nghiệp khoa học công nghệ.
“Gia đình anh Mạ là người tiên phong đưa mô hình nuôi cá tầm về với địa phương. Anh cũng là người dám nghĩ, dám làm, vượt khó với mô hình kinh tế mới, đem lại thu nhập cao, giúp người dân của xã Phong Dụ phát triển kinh tế”, ông Hoài nói.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm