Thị trường hàng hóa
“Biến” phế phẩm rơm rạ thành tiền
Những năm gần đây trồng nấm được xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu rơm rạ, góp phần bảo vệ môi trường, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Thay vì đốt bỏ như trước, hiện nay sau khi thu hoạch lúa người dân đã biết tận dụng rơm rạ để trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một trong những hộ dân tận dụng nguồn rơm dư thừa, cải tạo các mô đất trống để trồng nấm cho nguồn thu nhập khủng là gia đình ông Nguyễn Tấn Minh (47 tuổi, trú thôn Đoàn Kết, xã Ia Mơ Rơn).
Theo ông Minh, trồng nấm chủ yếu là lấy công làm lời, vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao và quan trọng là bà con nông dân nào cũng có thể trồng được. Trồng nấm rơm, ngoài lợi nhuận trực tiếp từ nấm, người trồng nấm rơm còn có thể tận dụng nguồn rơm hoai mục sau khi kết thúc vụ để làm phân trồng hoa màu, tiết kiệm chi phí trong sản xuất.
Chia sẻ với PV về kinh nghiệm trồng nấm, ông Minh cho hay: “Trồng nấm rơm mang lại thu nhập cao gấp 3-4 trồng lúa, mì. Tuy nhiên, trồng nấm nhìn thì rất dễ nhưng để đạt năng suất, chất lượng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, từ khâu chọn nguồn rơm đến thu hái. Ngoài ra, để phát triển mô hình này đòi hỏi người trồng nấm phải nắm vững đặc điểm sinh trưởng, phát triển của nấm để có thể điều chỉnh các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm… cho thích hợp. Khi trồng nấm cần chú ý khi rải lớp rơm và meo xen kẽ với độ dày 3 tấc giúp cho meo dễ hấp thụ độ ẩm, phát triển nhanh. Việc tưới nước phải thực hiện thường xuyên vào 2 buổi sáng, chiều để đảm bảo độ ẩm”.
Với hơn 3.000 m2 đất trồng nấm, mỗi ngày ông Minh thu từ 50 - 80kg. Bình quân gia đình ông Minh lời hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí. Nấm rơm là sản phẩm có ích cho sức khỏe, lại không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất nên người tiêu dùng rất yên tâm và ưa chuộng cũng bởi vậy mặt hàng này của nông dân xã Ia Mơ Rơn luôn “cháy hàng”.
Với những ưu điểm nổi trội và hiệu quả kinh tế mang lại từ việc trồng nấm rơm đã thu hút nhiều nông dân. Tương tự ông Minh, ông Nguyễn Nhiệm - Chi hội trưởng của Tổ nghề trồng nấm rơm xã Ia Ma Rơn) cũng thu lãi lớn nhờ mô hình biến phế phẩm rơm rạ thành tiền.
Trồng nấm rơm mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ông Nhiệm đã có 13 năm kinh nghiệm trồng nấm. Trước đây, gia đình ông Nhiệm quanh năm suốt tháng làm mì và lúa nhưng chẳng dư được bao nhiêu. Trong lúc ra đồng thu hoạch lúa, ông thấy phế phẩm rơm chồng chất không sử dụng. Cũng tình cờ thời điểm đó, ông được người quen giới thiệu mô hình trồng nấm rơm ở Miền Tây. Nắm bắt cơ hội, ông Nhiệm nhanh chóng thu gom rơm rạ ngoài đồng về nhà trữ. Sau đó, khăn gói vào Miền Tây học nghề trồng nấm, rồi về Gia Lai bắt tay áp dụng.
“Ngay khi đã trang bị có mình những kinh nghiệm cần thiết, tôi đã tiến hành cải tạo 500 m2 đất vườn của gia đình trước nhà để trồng nấm rơm. Vì mới thử nghiệm nên tôi chỉ trồng khoảng 30 luống, được 15 ngày tôi bất ngờ khi luống rơm mọc nấm chi chít. Sau khi thu hoạch vụ đầu tiên, có được thu nhập và vốn ổn định tôi tiếp tục mở rộng lên 5.000 m2 đất ruộng trước đây canh tác lúa để trồng nấm”, ông Nhiệm cho biết.
Theo chia sẻ của người đàn ông U60 từng có 13 năm kinh nghiệm trồng nấm thì không phải rơm nào cũng có thể trồng nấm. Muốn nấm đạt năng suất, chất lượng, nguồn rơm phải đảm bảo các yêu cầu như: Sợi rơm phải khô, sạch và xử lý tạp chất trong rơm đúng quy trình, ủ cho đủ độ mềm, độ ẩm... mới tiến hành cấy meo giống. Bên cạnh đó, trồng nấm rơm ngoài trời nên việc lựa chọn các vị trí sao cho thoáng mát; nhà nấm cũng phải phủ kín bạt để tránh nắng mưa, giữ đủ độ ẩm thích hợp cho nấm phát triển, không bị nhiễm bệnh.
Hiện tại với 5 sào đất làm nấm nhưng mỗi vụ gia đình ông Nhiệm chỉ trồng 2 sào, diện tích còn lại phơi nắng để đất giảm thiểu các tạp chất, mầm bệnh. Làm như thế thì vụ sau vườn nấm của ông sẽ không bị nhiễm khuẩn, năng suất cao, giảm thiểu yếu tố không đáng có. Với 2 sào nấm này, ông Nhiệm thu về 40kg/ngày. Trung bình 1kg nấm có giá bán từ 70.000 - 90.000 đồng, sau khi trừ chi phí gia đình ông lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
Ông Siu Bol - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ma Rơn cho biết, mô hình trồng nấm rơm của thôn Đoàn Kết là mô hình mang lại hiệu kinh tế cao, tạo việc làm cho lao động và phù hợp với điều kiện sản xuất của nhiều hộ gia đình. Xã Ia Ma Rơn cũng đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng nấm gồm 10 thành viên.
“Hiện tại, đã có 6 hộ dân được vay 30 triệu đồng/hộ từ Qũy Hỗ trợ nông dân huyện để sản xuất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều chương trình tập huấn để nông dân biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, hướng tới nâng cao chất lượng nấm rơm sạch của thôn Đoàn Kết”, ông Siu Bol cho biết thêm.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm