Thị trường hàng hóa
Xu hướng mua bán trực tuyến đang ngày càng tăng lên, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh kéo dài. Sàn thương mại điện tử (TMĐT) là một trong các kênh mua bán tiềm năng lớn, nổi bật có thể kể đến như Amazon, Taobao, Ebay, Walmart hay Shopee, Lazada, Tiki,….
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đưa sản phẩm của mình tiếp cận với khách hàng quốc tế. Và vấn đề đặt ra là làm sao dịch thuật website và các kênh phân phối khác một cách nhanh chóng, bắt kịp với sự thay đổi của sản phẩm, dịch vụ và công nghệ,…
Nội dung, mô tả là điều đầu tiên khách hàng quan tâm trước khi quyết định đặt mua sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Sản phẩm có thể khiến khách hàng rút hầu bao hay không phụ thuộc rất nhiều vào lời mô tả liệu có đủ hấp dẫn. Ngoài ra, khi trải nghiệm trang web, sàn mua bán được viết bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của khách hàng sẽ làm họ cảm thấy thích thú và lựa chọn sàn TMĐT làm địa chỉ mua hàng.
Việc nội dung hiển thị với ngôn ngữ bản địa hỗ trợ đắc lực cho quá trình thúc đẩy mua hàng, tăng trải nghiệm của người dùng. Một công ty TMĐT có thể phát triển một thương hiệu mạnh trên toàn thế giới và tối đa hóa lợi nhuận ở mọi khu vực bằng cách bản địa hóa tất cả các loại nội dung sang ngôn ngữ và văn hóa phù hợp với khách hàng.
Tự động hóa thương mại điện tử là một khía cạnh mở rộng nhanh chóng của thương mại trực tuyến. Điều này bao gồm việc áp dụng công nghệ tự động hóa từ hoạt động tiếp thị bán hàng đến dịch vụ vận chuyển kho bãi. Mọi đơn vị, bộ phận kinh doanh đều có một yếu tố có thể tự động hóa với sự can thiệp của công nghệ.
Xu hướng này có lợi vì nó cho phép nhân viên các sàn TMĐT dành thời gian và nguồn lực cho những nhiệm vụ quan trọng hơn. Ví dụ, các doanh nghiệp có kho hàng rộng lớn có thể đầu tư vào robot để tăng hiệu quả và giải phóng nhân sự tập trung vào các công việc quan trọng khác. Tương tự, quản lý chuỗi cung ứng có thể sử dụng phần mềm tự động hóa để thiết lập cảnh báo số lượng hàng tồn kho để điều chỉnh số lượng sản phẩm nhập vào.
Đồng thời, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp lớn. Trong lĩnh vực TMĐT, các nhà bán lẻ trực tuyến đã sử dụng các ứng dụng AI như chatbot, để mang lại trải nghiệm cá nhân hóa hơn cho khách hàng mua sắm trực tuyến.
AI và chatbot đã bùng nổ phổ biến trong 5 năm qua và những tiến bộ về công nghệ cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Mỗi năm trôi qua, AI đang được áp dụng cho một bộ phận hoặc bộ phận kinh doanh mới.
Các chatbot AI có thể sử dụng ngôn ngữ tự nhiên để tạo phản hồi lại các cuộc hội thoại, đồng thời tích cực học hỏi từ các cuộc hội thoại với khách hàng. Kata, một công ty khởi nghiệp ở Indonesia, đã sử dụng ngôn ngữ tự nhiên để trao quyền cho các chatbot của họ nói và hiểu được tiếng Indonesia nhằm cải thiện sự tương tác với khách hàng.
Trong thời gian tới, xu hướng thực tế ảo (VR) trong mua sắm thường được kết hợp với công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) cho phép khách hàng tương tác với sản phẩm. Cả hai đều theo cùng một mục tiêu và sử dụng công nghệ giá giống nhau nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm thoải mái hơn cho khách hàng.
Về cơ bản, thực tế ảo tăng cường (AR) cho phép người tiêu dùng nhìn thấy các sản phẩm kỹ thuật số (digital) đã được ảo hóa ở trong chính thế giới thực, trong khi trải nghiệm mua sắm thực tế ảo (VR) sẽ di chuyển khách hàng vào bên trong một thế giới ảo. Ví dụ, các cửa hàng có công nghệ thực tế tăng cường có thể cho phép người tiêu dùng tương tác với các mặt hàng mà không cần thực sự thử chúng.
Tiện ích AR và VR ngày càng được bán với giá cả phải chăng hơn nhờ các sáng kiến như Google Cardboard (Kính thực tế ảo). Do đó, các nhà bán lẻ có thể bắt đầu thử nghiệm các phương pháp AR/VR sáng tạo, mở rộng phạm vi gặp gỡ khách hàng tại cửa hàng, chẳng hạn như sử dụng mã QR để mang lại trải nghiệm sản phẩm nâng cao.
Trong không gian dành cho bán lẻ mỹ phẩm và thời trang, các ứng dụng mới này cho phép người dùng xem trước các sắc thái son môi nhất định hoặc một chiếc áo khoác cụ thể sẽ trông như thế nào khi mặc lên người mà không cần đến tận nơi thử. Việc ứng dụng các công nghệ mới giúp các sàn TMĐT tạo được sự khác biệt so với các nhà bán lẻ ngoại tuyến.
Thực tế, người dùng vừa có xu hướng tìm đến cửa hàng thực tế để trải nghiệm tận mắt sản phẩm nhưng họ cũng có nhu cầu được sử dụng điện thoại để tìm kiếm, thanh toán và đặt sản phẩm mà họ cần mua để tiết kiệm thời gian. Do đó, trải nghiệm mua sắm trực tuyến kết hợp ngoại tuyến chính là xu hướng tương lai của thị trường bán lẻ.
Thống kê của Vietnam Report về hành vi mua sắm của người Việt trong giai đoạn mới cho thấy hành vi tiêu dùng của người dân đã thay đổi đáng kể. Đáng chú ý là xu hướng mua bán hàng đa kênh, tích hợp chặt chẽ từ trực tuyến đến trực tiếp. Người tiêu dùng đã chuyển đổi kênh mua sắm thành các nhóm thiết yếu và không thiết yếu.
Trước đây, người dân sẽ lựa chọn kênh mua sắm theo thứ tự ưu tiên lần lượt là chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị rồi mới đến cửa hàng tiện lợi. Nhưng khi Covid-19 diễn ra, kênh mua sắm online được ưu tiên hơn cả. Một số nền tảng bán hàng trực tuyến như Tiki, Lazada, Shopee... ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Một số dịch vụ đặt hàng trên điện thoại, qua hotline, các ứng dụng bán hàng trên di động cũng nở rộ. Người dùng đang đa dạng hóa kênh mua sắm thay vì chỉ phụ thuộc vào các phương thức giao dịch truyền thống.
Đây chính là lúc các doanh nghiệp thực hiện chiến lược cung cấp phương pháp tiếp cận toàn diện đảm bảo trải nghiệm người dùng nhất quán trên tất cả các kênh mua hàng. Những sàn TMĐT đầu tư vào chiến lược đa kênh sẽ có ưu thế hơn để tối đa hóa doanh số bán hàng và thúc đẩy sự gắn bó của khách hàng.
Với việc các thiết bị và trợ lý kích hoạt bằng giọng nói như Google Home và Amazon Echo ngày càng trở nên phổ biến, tìm kiếm bằng giọng nói sẽ sớm trở thành phương pháp tìm kiếm được ưa thích với những khách hàng trẻ tuổi. Vì vậy, các sàn TMĐT doanh nghiệp nên “đi tắt đón đầu" cho xu hướng tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hơn 50% tất cả các sản phẩm tìm kiếm sẽ được điều khiển bằng giọng nói vào năm 2023. Mua sắm bằng giọng nói sẽ giúp quá trình mua sắm của người tiêu dùng nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Đối với chủ doanh nghiệp TMĐT, việc theo sát các xu hướng của ngành là đặc biệt quan trọng để duy trì khả năng cạnh tranh và xác định các cơ hội mới. Khách hàng đang trở nên thông thái hơn mỗi ngày, vì vậy các sàn TMĐT cần nâng cấp để phù hợp với nhu cầu của họ.
Việc áp dụng công nghệ mới, các giải pháp tiên tiến đã đưa ngành thương mại điện tử lên như vũ bão. Do đó, nếu các doanh nghiệp muốn phát triển một gian hàng tiếp thị trực tuyến hoặc thì phải theo dõi chặt chẽ các xu hướng TMĐT trong tương lai.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm