Thị trường hàng hóa
Chia sẻ tại chuyên đề “Phát triển TMĐT bền vững” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia TMĐT và Kinh tế số ngành Công Thương 2023 ngày 21/11, bà Phạm Thị Lan Hương, Trưởng ban logistics, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA); Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội logistics Hà Nội cho biết: “Chuyển đổi xanh là xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng suy giảm đa sinh thái. Chuyển đổi xanh đang trở thành một trong những xu hướng nổi trội trong ngành logistics”.
“Đây được coi là một chủ đề nóng, là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) logistics phải chuyển mình và thay đổi”, bà Hương nhấn mạnh.
Việc triển khai logistics xanh được xem là một mắt xích quan trọng trong việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như lộ trình phát triển bền vững của DN.
Hướng tới chuyển đổi xanh trong logistics có 4 trụ cột chính: Giảm lãng phí, tối ưu các nguồn lực bằng cách tăng hệ số sử dụng nguồn lực trong logistics; Tăng tỷ trọng các phương thức vận tải thân thiện với môi trường; Sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong các hoạt động; và cuối cùng là sử dụng năng lượng tái tạo cho các hệ thống nhà kho và các hệ thống vận hành.
Bà Hương cũng đưa ra một số ví dụ ngành logistics đang ứng dụng chuyển đổi xanh, điển hình như xe điện sử dụng năng lượng tái tạo thay vì năng lượng hóa thạch đang dần trở nên phổ biến; tối ưu vận tải tích hợp đầy tải, và giảm lượng xe chạy rỗng; Áp dụng hệ thống tối ưu hành trình vận tải; Kết hợp vận tải đa phương thức để giảm thiểu các phương thức vận tải không thân thiện với môi trường đi; Thiết kế tòa nhà thân thiện với môi trường (ví dụ: hệ thống ánh sáng tiết kiệm năng lượng, cách nhiệt).
Hay là, thiết bị xử lý hàng hóa trong kho sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng, hoặc không sử dụng năng lượng; Hệ thống nước (ví dụ: giảm thiểu lãng phí nước, sử dụng hệ thống nước xám);…
Logistics trong TMĐT được chia thành nhiều chặng như: chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối. Càng có nhiều lớp vận chuyển thì càng tạo áp lực cho môi trường.
Hiện nay, tại Việt Nam, các DN cung cấp dịch vụ logistics cho TMĐT có thể được phân thành các nhóm như: Các DN logistics của các sàn TMĐT (Lazada Logistics, Shoppee Express); Các DN chuyển phát lớn (VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, J&T, Ahamove, Ninja Van); Các DN chuyển phát quy mô trung bình và nhỏ; Các DN giao hàng chặng cuối quy mô nhỏ.
Theo bà Hương, các DN lớn làm logistics cho TMĐT thì dễ dàng hơn trong chuyển đổi xanh và ứng dụng công nghệ, nhưng điểm nghẽn chính lại là ở nhóm các DN quy mô nhỏ và vừa.
Chia sẻ về thực trạng chuyển đổi xanh logistics cho TMĐT, bà Hương cho biết: “Logistics cho TMĐT đã có những ứng dụng, những thay đổi rất nhiều trong việc hướng đến hành trình chuyển đổi xanh”.
Ví dụ, trung tâm chia chọn hàng hóa của Lazada được thiết kế rất hiện đại, ứng dụng số gần như toàn diện; đặc biệt xe máy điện cũng đã được Lazada sử dụng để giao hàng ở chặng cuối.
Ngoài ra, các hoạt động logistics cho TMĐT cũng đã ứng dụng CNTT cho hoạt động vận hành của các trung tâm chia chọn hàng hóa, ứng dụng CNTT cho hoạt động giao hàng chặng cuối để tối ưu quãng đường; chuyển đổi sang nhiên liệu thân thiện với môi trường; các hoạt động hạn chế lãng phí nhiên liệu, nguồn lực.
Tuy nhiên, theo bà Hương, trong hành trình hướng đến chuyển đổi xanh của hoạt động logistics cho TMĐT vẫn còn những điểm nghẽn.
Điểm nghẽn đầu tiên là hoạt động vận tải chặng giữa chưa được ứng dụng hoặc ứng dụng chưa triệt để CNTT trong hành trình chuyển đổi xanh.
Điểm nghẽn thứ hai là ở khối các DN nhỏ và vừa, những DN chuyển phát nhanh hoặc DN giao hàng bằng xe máy quy mô nhỏ. Những DN này thường chỉ giải quyết bài toán về dịch vụ, gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng công nghệ cũng như trong việc chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, nhận thức của DN nhỏ và vừa về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững vẫn còn hạn chế. Có không ít DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn coi phát triển xanh là gánh nặng, chưa coi đây là lộ trình tất yếu trong hoạt động kinh tế toàn cầu hóa.
Phần lớn các DN nhỏ và vừa mới chỉ dừng lại ở mức “cân nhắc thực hiện” chứ chưa có những bước triển khai các hoạt động hướng tới phát triển bền vững. Khảo sát cho thấy, DN chưa đủ am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị DN (ESG).
Trong khi đó, một số chương trình, dự án hỗ trợ DN phát triển bền vững mới dừng lại ở nâng cao nhận thức, đào tạo trên diện rộng chứ chưa đi sâu vào nhu cầu cụ thể của DN.
Từ góc độ của người làm logistics, bà Hương cho biết cần phải có một cách tiếp cận tổng thể trong việc chuyển đổi xanh logistics cho TMĐT.
“Chúng ta bắt buộc phải cân bằng được giữa trải nghiệm khách hàng và tối ưu vận hành, tránh lãng phí. Các sàn TMĐT thường tập trung nhiều vào trải nghiệm khách hàng (tiện và nhanh), nhưng điều này thường sẽ đi ngược lại với câu chuyện phải tối ưu nguồn lực và tránh lãng phí”, bà Hương nhấn mạnh.
Theo đó, Trưởng ban logistics Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đưa ra đề xuất giải pháp dưới 4 cấp độ.
Cụ thể, ở cấp độ ngành cần có những cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường.
Cấp độ DN TMĐT, các DN có thể đưa yếu tố phát triển bền vững vào thiết kế hành trình trải nghiệm khách hàng.
Cấp độ DN logistics, các DN cần dịch chuyển sang các nguồn nhiên liệu xanh, các phương tiện thân thiện với môi trường (xe điện, điện áp mái) và thúc đẩy chuyển đổi số.
Và cuối cùng, ở cấp độ người tiêu dùng, cần phải nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về phát triển bền vững. Điều này đặc biệt cần sự chung tay hơn nữa của các bộ, ban, ngành cũng như các sàn TMĐT để dần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm