Thị trường hàng hóa
Năm 2023 được dự đoán là một năm khó khăn do các dấu hiệu của suy thoái kinh tế ngày càng hiển hiện rõ. Thêm vào đó, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất trong tuần trước cũng cho thấy rằng mặt bằng lãi suất khó có thể hạ nhiệt trong thời gian ngắn. Điều này cũng sẽ gây tác động mạnh tới rất nhiều kênh đầu tư. Do đó các nhà đầu tư cần phải vô cùng thận trọng và lựa chọn những kênh trú ẩn an toàn cho mình trước cơn suy thoái.
Lãi suất gửi tiết kiệm sẽ vẫn có dư địa tăng trong năm 2023
Trước đà tăng lãi suất của Fed trong năm 2022, hàng loạt ngân hàng trung ương tại các quốc gia cũng đã phải tăng lãi suất nhằm giảm áp lực tỷ giá cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tại Việt Nam, vào những tháng cuối năm 2022, đã có lúc lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại được đẩy lên 11-12%.
Tuy nhiên sau đó, mặt bằng chung lãi suất tiền gửi đã được thống nhất ổn định lại quanh mức 9,5% giữa các ngân hàng.
Chứng khoán VNDirect nhận định rằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do thiếu hụt thanh khoản cùng với những bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng cần phải huy động thêm tiền gửi để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, cũng như đáp ứng nhu cầu cho vay.
Tuy nhiên, trong nửa sau của năm 2023, lãi suất có thể hạ nhiệt nhờ áp lực tỷ giá cho phép Ngân hàng Nhà nước bơm thanh khoản tiền đồng cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất và kiểm soát lạm phát trong nước.
Trong một báo cáo của mình, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng dư địa tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn, dự kiến lãi suất sẽ tăng đạt đỉnh vào thời điểm giữa năm, sau đó có thể đi ngang hoặc có xu hướng giảm dần.
Chứng khoán chịu áp lực lớn khi loạt trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 2
Sau một năm biến động dữ dội như năm 2022, các chuyên gia dự đoán đã tỏ ra dè dặt hơn khi đưa ra tiên đoán về thị trường chứng khoán Việt Nam. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nền kinh tế thế giới cùng thị trường chứng khoán vẫn có thể phải đối diện với khó khăn trong nửa đầu năm 2023.
Các vấn đề gây tác động lớn tới thị trường bao gồm việc Fed tiếp tục tăng lãi suất, đà suy thoái của nền kinh tế thế giới, áp lực với hàng loạt trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 2 năm 2023 sẽ có thể là những thách thức mà thị trường chứng khoán Việt Nam phải đối mặt.
Đặc biệt đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khủng hoảng niềm tin cùng áp lực về thanh khoản khi hàng loạt trái phiếu đáo hạn sẽ gây áp lực lớn lên cả hệ thống tài chính trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng trong nửa đầu năm.
Về chỉ số VN-Index, VNDirect đưa ra dự báo rằng trong kịch bản tích cực nhất, chỉ số có thể hồi phục lại quanh mốc từ 1.300 - 1.350 điểm với lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 14%, định giá P/E từ 12-12,5 lần. Dự báo này cũng phù hợp với một số quỹ ngoại cho rằng định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Thị trường tiền số vẫn tồn tại nhiều rủi ro
Trong năm 2022, bên cạnh những biến động về kinh tế vĩ mô thì thị trường tiền số cũng phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề do những yếu tố tiêu cực của thị trường. Điển hình nhất là vụ sập sàn tiền số FTX và người sáng lập Sam Bankman-Fried nhiều khả năng bị yêu cầu dẫn độ về Mỹ đã khiến niềm tin của giới đầu tư với thị trường này bị khủng hoảng nghiêm trọng.
Một điểm sáng duy nhất của thị trường tiền số đó là việc Bitcoin sẽ chia đôi lượng tiền số có thể "đào" được, điều này sẽ được thực hiện với chu kỳ 4 năm và mỗi khi sự kiện này diễn ra, thị trường tiền số, đặc biệt là Bitcoin thường có xu hướng "up-trend". Tuy nhiên, vẫn còn hơn 1 năm nữa mới tới sự kiện này nên nó khó có thể tác động tới thị trường tiền số trong ngắn hạn.
Do đó, một số chuyên gia vẫn nhận định rằng thị trường tiền số trong năm 2023 sẽ vẫn tồn tại rủi ro. Mark Mobius, nhà sáng lập quỹ Mobius Capital Partners chia sẻ trên Bloomberg rằng ông tin Bitcoin sẽ xuống dưới mốc giá 10.000 USD. bản thân ông cũng sẽ không đầu tư tiền của vào Bitcoin trong thời điểm này vì quá nguy hiểm
Bất động sản liệu có khởi sắc trở lại?
Đối với thị trường bất động sản, trong năm 2023, dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn khi các vướng mắc liên quan tới thị trường trái phiếu, các cuộc điều tra lớn cũng gây ảnh hưởng tới dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên vẫn sẽ có điểm sáng hy vọng cho năm 2023 nhờ các chính sách của nhà nước.
Cụ thể thì trong buổi họp báo cuối năm 2022, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết Chính phủ đã lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tổ công tác đã bắt đầu làm việc với các địa phương, doanh nghiệp bất động sản để nắm bắt về các khó khăn còn tồn động trên thị trường.
Một số các giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được Tổ công tác kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và bước đầu đã có những dấu hiệu tích cực đối với thị trường. Theo ông Dũng thì trong năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của thị trường bất động sản và Bộ Xây dựng là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Bộ sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ để lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Với những tác động trên, thị trường bất động sản trong năm 2023 vẫn có khả năng có được những chuyển biến tích cực sau thời gian dài trầm lắng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm