Thị trường hàng hóa
Thông tin số liệu được ghi nhận trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ đang đối diện áp lực từ lạm phát tăng cao. Black Friday là cơ hội mua sắm các mặt hàng giảm giá mạnh, từ điện thoại thông minh đến đồ chơi, đồ tập thể dục thể thao và các mặt hàng tiêu dùng khác… bắt đầu cho mùa Giáng sinh và dịp mua sắm lớn cuối năm.
Trong khi nhiều nhà bán lẻ tại Mỹ mở cửa từ 5h ngày Black Friday (26/11) để đón khách nhân ngày "Black Friday", ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm thì nhiều khách hàng cũng thức dậy sớm hơn thường lệ để tranh thủ tìm mua những món quà trang trí trong dịp Giáng sinh do lo ngại tình trạng hết hàng nhanh chóng.
Diễn ra một ngày sau Lễ tạ ơn, ngày hội giảm giá "Black Friday" thường là ngày mở đầu cho mùa mua sắm cuối năm. Trong những năm trước, các nhà bán lẻ thường treo biển giảm giá ít nhất 50% mọi sản phẩm từ quần áo, đồ chơi đến TV, thu hút hàng đoàn dài các khách hàng tập trung bên ngoài các cửa hàng trong khi các trung tâm thương mại cũng chật ních khách.
Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến trong vài năm gần đây, những đám đông có phần giảm đi, đặc biệt là trong năm 2020 khi hầu hết người dân trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng và nỗi lo COVID-19 vẫn phủ bóng.
Dữ liệu phân tích của Adobe Analytics cho thấy, doanh số bán hàng điện tử là động lực lớn khi tăng tới 221% so với những ngày mua sắm trung bình trong tháng 10. Trong đó, các mặt hàng như thiết bị âm thanh, đồ chơi và thiết bị tập thể dục bán rất chạy với doanh số mỗi mặt hàng tăng hơn 200% so với mức trung bình trong tháng trước.
Adobe Analytics cũng ghi nhận, người tiêu dùng đã chuyển sang các phương thức thanh toán linh hoạt trong bối cảnh lạm phát cao và giá cả tăng. Số lượng đơn đặt hàng mua ngay, trả sau tăng 78% trong tuần này so với tuần trước và doanh thu từ các đơn đặt hàng đó tăng 81% trong cùng kỳ.
Chuyên gia Vivek Pandya, nhà phân tích chính của Adobe Digital Insights, cho biết, ngày mua sắm Black Friday năm 2022 đã đạt mức chi tiêu kỷ lục qua hình thức trực tuyến. Điều này cho thấy nhiều dấu hiệu đáng chú ý hơn về việc người tiêu dùng có ý thức về ngân sách trong bối cảnh lạm phát đang hiện hữu.
Người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán "mua ngay trả sau" nhiều hơn trong năm nay để có thể mua những món quà mong muốn cho gia đình và bạn bè. Theo Adobe, tỷ lệ doanh số bán hàng được thực hiện trên điện thoại di động cũng đạt mức cao kỷ lục, với 48% doanh số bán hàng trực tuyến đến từ điện thoại thông minh. Các trò chơi như FIFA 23 và các thiết bị chơi game như PlayStation 5 vẫn phổ biến, thiết bị bay không người lái và Apple MacBook cũng bán rất chạy.
Adobe Analytics hy vọng hoạt động thương mại điện tử sẽ duy trì mạnh mẽ trong suốt cuối tuần, với việc người tiêu dùng sẽ chi khoảng 4,5 tỷ USD vào ngày thứ 7 và 5 tỷ USD vào ngày Chủ nhật. Dịp mua sắm "Cyber Monday" diễn ra vào đầu tuần này cũng dự kiến sẽ là ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất trong mùa và cả năm, mang lại doanh thu hơn 11 tỷ USD. Phân tích của Adobe Analytics bao gồm hơn 1.000 tỷ lượt truy cập vào các trang web bán lẻ của Mỹ và 18 danh mục sản phẩm.
Một động lực khác cho mùa mua sắm cuối năm nay đạt kỷ lục phải kể đến là người tiêu dùng Mỹ hiện được cho là có nguồn tiền rủng rỉnh sau nhiều vòng trợ cấp mà Chính phủ nước này tung ra trong thời gian đại dịch hoành hành. Cùng với đó, người tiêu dùng có tâm lý thoải mái hơn khi các công ty bắt đầu nâng lương để cạnh tranh tìm kiếm nhân viên trong bối cảnh khan hiếm lao động. Các dữ liệu công bố hồi giữa tuần qua cho thấy, chi tiêu khách hàng đã tăng 1,3% trong tháng 10, cao hơn dự kiến.
Dịp "Black Friday" năm nay tại Mỹ, các chuỗi bán lẻ như Target, Macy's và Walmart đã bố trí thêm nhiều không gian và nhân viên làm việc tại các điểm trả hàng và bãi giữ xe. Walmart, chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới, đã thuê 150.000 nhân công trong các dịp nghỉ lễ năm nay. Target cũng bổ sung hơn 18.000 chỗ trong các bãi giữ xe, hơn gấp đôi con số năm ngoái.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm