Thị trường hàng hóa
Dựa trên kết quả công tác xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 của chủ đầu tư và nhà thầu trong nước, tại buổi lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng cần mạnh dạn giao các công trình lớn cho các doanh nghiệp Việt đủ năng lực thực hiện.
Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 công suất 1.200MW do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam LILAMA làm tổng thầu EPC. Sau 7 năm xây dựng với rất nhiều khó khăn và trải qua 2 năm đại dịch Covid, dự án hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đánh giá riêng về dự án này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: dự án được xây dựng hoàn toàn do người Việt Nam làm tổng thầu cho thấy sự trưởng thành của các doanh nghiệp trong nước. Tại dự án này đánh dấu bước phát triển vượt bậc của chủ đầu tư PVN và tổng thầu LILAMA cùng các nhà thầu phụ cũng như trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam. Bên cạnh đó, với công nghệ hiện đại, dù sản xuất điện than nhưng dự án khi đi vào hoạt động vẫn đảm bảo đầy đủ các chỉ tiêu về môi trường. Viêc hoàn thành dự án cũng cho thấy sự trưởng thành về mọi mặt của Việt Nam, góp phần không nhỏ hình thành nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Từ thành công của dự án này, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: qua đây cho thấy chúng ta hoàn toàn đúng đắn khi kiên định xây dựng một nền công nghiệp nền tự chủ như: công nghiệp năng lượng, vật liệu. Chúng ta làm chủ về công nghiệp sản xuất trang thiết bị về năng lượng... Đồng thời, các công ty, tập đoàn lớn cũng trưởng thành vì vậy thời gian tới, chúng ta cần mạnh dạn giao cho các nhiệm vụ to lớn cho các đơn vị lớn của nước nhà để tiết kiệm, hoàn toàn tự chủ.
Anh hùng lao động Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) - đơn vị tổng thầu EPC cho biết: Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 cũng là dự án nhiệt điện sử dụng công nghệ siêu tới hạn đầu tiên tại Việt Nam được tổng thầu trong nước thực hiện thành công. Điều này khẳng định năng lực của các nhà thầu trong nước đối với các dự án nhiệt điện lớn. Không chỉ riêng với Sông Hậu 1, trong những năm qua, LILAMA đã khẳng định vai trò là tổng thầu EPC các dự án nhiệt điện lớn trong nước như: Nhiệt điện Uông Bí, Cà Mau, Vũng Áng 1.
Được khởi công từ tháng 5/2015, nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 ban đầu chỉ là một bãi đất 150ha sình lầy hoang vu ven bờ nam sông Hậu ở thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành - Hậu Giang). Cuối năm 2015 đánh dấu chiếc cọc móng nhà máy chính đầu tiên, đến cuối tháng 7/2016, chỉ bảy tháng sau khi đóng cọc móng nhà máy chính, LILAMA và các nhà thầu đã tiến hành lắp đặt kết cấu lò hơi và gần một năm sau, tiếp tục lắp đặt máy biến áp chính.
Đây cũng là dự án đánh dấu sự trưởng thành của bàn tay và khối óc của kỹ sư và công nhân Việt. Kỹ sư Vũ Trọng Thiết, Giám đốc Ban dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 (LILAMA) cho biết: tại dự án này, các chi tiết như lò hơi, turbine, cảng, vận chuyển nhiên liệu,… là những hạng mục khó nhất của nhà máy nhiệt điện vì tập trung nhiều thiết bị quan trọng, thi công khó và cần nhiều thời gian. Ngoài hệ thống cọc móng khổng lồ, việc lắp đặt thành công kết cấu thép lò hơi và giàn ống sinh hơi trọng lượng hơn 10 nghìn tấn, trong đó có những cấu kiện nặng hơn 100 tấn ở độ cao 84m là minh chứng sinh động nhất thể hiện khả năng làm chủ công nghệ của bàn tay, khối óc thợ lắp máy Việt Nam. Với thiết bị turbine máy phát nặng hơn 1.000 tấn, những người thợ máy đã phải tính toán, sử dụng hệ thống kích rút thủy lực, một thiết bị đặc chủng chuyên nâng hạ cấu kiện nặng vào vị trí móng cao 18m bảo đảm tuyệt đối chính xác…
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 cũng ghi nhận kỷ lục về khối lượng công việc khổng lồ. Ông Lê Văn Tuấn đánh giá thêm, từ khi khởi công nhà máy (ngày 16/5/2015) đến nay, LILAMA và các nhà thầu trên công trường đã hoàn thành lắp đặt khoảng 100 nghìn tấn thiết bị, hơn 270.000 m3 bê-tông cốt thép với 25 triệu giờ vận hành, thi công an toàn. Tất cả các hạng mục đều đáp ứng đầy đủ tiêu chí kỹ thuật và thông số bảo đảm theo đúng yêu cầu của hợp đồng EPC.
Đáng ghi nhận, tại dự án này, tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 30% đối với khâu thiết kế, chế tạo vật tư thiết bị trong nước, thậm chí có gói thầu đạt tỷ lệ lên đến 55% do các đơn vị trong nước sản xuất được.
Thực tế, năm 2002, khi ký gói thầu điện than đầu tiên, LILAMA phải thuê tư vấn nước ngoài đảm trách, bản thân chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Nhưng đến nay, đơn vị đã hoàn toàn làm chủ công nghệ. Minh chứng rõ ràng nhất chính là sự thành công của Nhiệt điện Sông Hậu 1. “Sự thành công này đã đánh dấu sự trưởng thành của chủ đầu tư, tổng thầu EPC và các nhà thầu phụ trong nước, là niềm tự hào của đội ngũ cán bộ quản lý đầu tư xây dựng một trong những dự án nhiệt điện lớn nhất Việt Nam, bởi tất cả các khâu quản lý, thiết kế thi công, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và vận hành đều do người Việt đảm nhiệm chính”, Tổng Giám đốc Lê Văn Tuấn nhấn mạnh.
Không chỉ với dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, ở trong nước, thời gian gần đây cũng chứng kiến các doanh nghiệp vươn lên, dần dần khẳng định làm chủ công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ví dụ ngành cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ôtô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…
Điển hình như Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), nhiều mặt hàng linh kiện phụ tùng và cơ khí xuất khẩu của Thaco Auto (thuộc Thaco) tăng về lượng lẫn giá trị. Đối với thị trường trong nước, Thaco Auto đã phát triển sản phẩm phù hợp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng và cơ khí cho nhiều hãng ô tô, xe máy và các doanh nghiệp FDI, như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio, Amann, Makitech…
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) phân tích: Số liệu chưa đầy đủ cho thấy trung bình 5, 10 năm qua, Việt Nam thường nhập khẩu từ nước ngoài trên dưới 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng. Đó là thị trường khá lớn mà nhiều nước muốn có mà không được.
Thế nhưng ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại không có được nhiều thị phần, phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường chưa hoàn thiện còn nhiều bất cập và chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Dẫn đến cơ khí nội địa của nước ta đã thiếu đơn hàng và bị thua thiệt ngay trên sân nhà.
Ông Long cũng cho biết thêm, tới đây chúng ta sẽ triển khai nhiều dự án lớn quan trọng của quốc gia có tổng mức đầu tư lên tới 300 tỷ đô như: Quy hoạch điện VIII giai đoạn từ 2021 - 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50-60 tỷ USD, sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy…
Tuy nhiên, để các đơn vị trong nước có thể có được đơn hàng ngay trên sân nhà, cần có sự quan tâm chặt chẽ hơn nữa từ phía nhà nước. Cụ thể, chính sách nội địa hóa còn cần phải tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”, thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp cơ khí phát triển. Bởi trong quá khứ, đã có nhiều công trình khi được Nhà nước mạnh dạn “chọn mặt gửi vàng”, các doanh nghiệp trong nước đã luôn hoàn thành tốt và chứng minh năng lực làm tổng thầu rất tốt.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm