Thị trường hàng hóa
Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), biểu lãi suất cho vay mua nhà tính đến 31/10 tại 13 ngân hàng dao động trong khoảng 10,5-13,2%/năm. Trong khi đó, vào cuối tháng 7, mức lãi suất dao động trong khoảng 10,5-15,5%/năm.
Hiện, hầu hết ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất là lãi suất vay ưu đãi trong 12 tháng đầu và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi vay giữa ưu đãi và sau ưu đãi từ 2% đến 4%.
Trong 12 tháng đầu tiên, mức lãi suất ưu đãi được các ngân hàng áp dụng trong khoảng 7,19-10%/năm.
Cụ thể, UOB áp dụng mức lãi suất ưu đãi 7,19%/năm, sau ưu đãi về mức 11%/năm. Tại ACB, lãi suất áp dụng là 8,5%/năm, sau ưu đãi là 12,5%/năm. Vietcombank có lãi suất ưu đãi 7,5%/năm, sau ưu đãi quanh mốc 10,5%/năm.
Tuy nhiên, hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND giảm khoảng 2 điểm % so với cuối năm ngoái.
Giải thích cho việc vì sao lãi suất các khoản cho vay bất động sản dài hạn vẫn còn cao, các ngân hàng cho biết, nguồn vốn chủ yếu vẫn từ ngắn hạn và cần tuân thủ các quy định về an toàn vốn. Hơn nữa, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng.
Tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nợ xấu cao, phải trích lập dự phòng lớn thì giá vốn cũng bị đẩy lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay cao.
Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ còn giảm tiếp, nhưng sẽ giảm chậm hơn lãi suất huy động. Việc giảm lãi suất mạnh sẽ có thể chỉ xảy ra tại các ngân hàng lớn, còn những ngân hàng nhỏ có giảm cũng không quá nhiều.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm