Thị trường hàng hóa
Mới đây, ADB đã tổ chức họp báo công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á cập nhật năm 2022; Cập nhật và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 - 2023. Theo đó, ADB giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022, tăng tốc lên 6,7% vào năm 2023.
ABD nhận định những cân đối vĩ mô vững mạnh, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành chế biến chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng nội địa đã giúp kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ bất chấp bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Với mức dự báo tăng trưởng này, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Tăng trưởng đạt mức 7,7% trong quý II và đạt mức tăng bình quân 6,4% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020, nhưng vẫn thấp hơn mức 6,8% trong năm 2019 trước đại dịch.
Ngân hàng này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á trong năm 2022 và 2023. Báo cáo của ADB dự báo dự báo nhóm các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, đạt tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 4,3% trong năm nay, sau khi đã cắt giảm dự báo còn 4,6% trong tháng 7 từ mức 5,2% trong tháng 4.
Về năm 2023, ADB dự báo nền kinh tế khu vực tăng trưởng 4,9%, thấp hơn mức dự báo tăng 5,3% đưa ra hồi tháng 4 và 5,2% đưa ra hồi tháng 7. Nguyên nhân là do hàng loạt thách thức ngày càng gia tăng gồm chính sách tiền tệ thắt chặt, ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 ở Trung Quốc.
Dù vậy, ABD vẫn nhấn mạnh những rủi ro với triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn còn cao. Cụ thể là kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể tác động đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và gây áp lực lên cán cân vãng lai trong ngắn hạn.
Song song đó, suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và sự thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động không nhỏ tới sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu - vốn là lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động trong năm 2022. Việc chậm giải ngân đầu tư công và các khoản chi xã hội của Chính phủ cũng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau.
Với những nguyên nhân trên, cán cân vãng lai của Việt Nam dự báo sẽ thâm hụt 1,5% GDP trong năm nay. Cán cân vãng lai được dự báo thâm hụt ở mức 1,7% GDP trong năm 2023 do kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu yếu đi.
Theo báo cáo, nhu cầu trên thị trường thế giới giảm làm chậm đà tăng trưởng ngành chế biến chế tạo. Trong tháng 8, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ xuống 52,7, từ mức 54,0 của tháng 7. Tuy nhiên, triển vọng ngành chế biến chế tạo vẫn khả quan do đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào lĩnh vực này.
Thời gian qua, lạm phát tăng cao ở Mỹ và Liên minh châu Âu cũng là yếu tố góp phần làm tăng áp lực lạm phát ở trong nước. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu đang giúp cho việc kiềm chế lạm phát sẽ chỉ mức 3.8% năm 2022 và 4% năm 2023. Đây là các chỉ số hầu như không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á vào tháng 4/2022 vừa rồi.
Trước đó, nhiều tổ chức cũng giữ hoặc nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam như WB (Ngân hàng thế giới), IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), Standard Chartered Bank, VNDirect, SSI... WB dự báo GDP Việt Nam tăng 7,5%. Gần đây, công ty đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Moody’s thậm chí dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,5% trong năm nay.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm