Thị trường hàng hóa
Sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam 2022 đã ghi nhận nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực. Đơn cử, trong năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra và là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Hoạt động đầu tư, thương mại đều có sự tăng trưởng tích cực với tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 30 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Mặc dù đang trong giai đoạn phát triển phục hồi hậu dịch bệnh.
Vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài vẫn tăng 13,5% so với cùng kỳ, một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trên bản đồ đầu tư khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, trong năm 2022, vẫn còn rất nhiều khó khăn, khiến một số chỉ số tăng trưởng chưa được như kỳ vọng.
Trong Phiên khai mạc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2023, diễn ra vào sáng nay (17/3), bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định muốn được lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng liên quan đến xây dựng thể chế, chính sách, hoặc phản ánh vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Theo Thứ trưởng, định hướng của Việt Nam tầm nhìn tới năm 2050, đó là phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
“Là một nước có trách nhiệm cộng đồng, Việt Nam đã tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh từ sớm. Từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến năm 2050. Quốc hội cũng đã ban hành nền tảng pháp luật, trong đó, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp lý để tạo nền tảng cho phát triển tăng trưởng xanh, khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong đó, nhiệm vụ và hành động được xây dựng trên cơ sở lựa chọn tăng trưởng xanh cao, tính đến các giải pháp khả thi về kỹ thuật, có tính khả thi và phù hợp năng lực.
Đồng thời, có khả năng thực hiện và đẩy mạnh triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, thay vì chỉ tính đến các giải pháp có tính khả thi về kinh tế.
Điểm mấu chốt của Chiến lược là cân bằng hài hòa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với phát triển xã hội, hướng tới phát triển bền vững. Thông điệp xuyên suốt của Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia đã được nêu rõ, trên tinh thần đó, các bộ, ngành tích cực triển khai tăng trưởng xanh trong phạm vi nhiệm vụ để sửa đổi các nội dung pháp lý theo định hướng tạo điều kiện huy động tài chính, nguồn lực cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
Cũng liên quan đến tăng trưởng xanh, ông John Rockhold, Trưởng Nhóm công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam hoan nghênh những kết quả tích cực mà ngành điện Việt Nam đã đạt được trong năm 2022, có thể kể đến việc sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo và đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất tăng cao sau thời kỳ dịch bệnh.
Ông John Rockhol, Trưởng Nhóm công tác Điện và Năng lượng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho biết: Năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 8,02% so với mức tăng chỉ 2,58% vào năm 2021. Đây là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 1997, một kết quả ấn tượng trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn và biến động.
Tuy nhiên, những sự kiện và diễn biến trên toàn cầu trong năm qua càng cho thấy nhu cầu cấp bách cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng, vì chúng bộc lộ rõ một hệ thống năng lượng phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như hiện nay có thể tác động như thế nào đến mức chi phí trong nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam không phải ngoại lệ trong xu thế chuyển dịch năng lượng. Quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam còn đi song hành với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa.
"Chúng tôi nhận thấy mong muốn đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng, sao cho vẫn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Thật ra chuyển dịch năng lượng còn mang lại cơ hội việc làm và xu hướng này sẽ ngày càng nhân rộng, tạo ra điều kiện cần thiết cho sự phát triển của năng lượng tái tạo", ông John Rockhol khẳng định.
Trong năm 2023, Việt Nam đã đặt ra 4 mục tiêu cho quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm: Không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030; tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo để tận dụng thế mạnh của Việt Nam; tìm hiểu, tiếp cận sớm các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp như hydro xanh, amoniac xanh; cải thiện hạ tầng truyền tải và phân phối của hệ thống điện quốc gia.
“Trên cơ sở đó, Nhóm Công tác Điện và Năng lượng sẵn sàng hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ quá trình này”, ông John Rockhol nói.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm